TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ - VĂN HÓA XÃ LÝ BÔN
Lượt xem: 258

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cũng như các địa phương khác của huyện Bảo Lâm và tỉnh Cao Bằng, nhân dân các dân tộc Lý Bôn luôn tự hào về truyền thống văn hoá và truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của nhân dân các dân tộc Bảo Lâm nói chung, trong đó có nhân dân các dân tộc Lý Bôn. Những truyền thống đó là:

- Truyền thống cần cù và sáng tạo trong lao động sản xuất. Trải qua biết bao biến thiên và thăng trầm của hàng ngàn năm lịch sử, với điều kiện tự nhiên không thuận lợi, thường xuyên bị thiên tai, lũ quét,... nhiều thế hệ đồng bào các dân tộc Lý Bôn đã cùng với đồng bào các dân tộc Bảo Lâm và Cao Bằng biết thuận theo tự nhiên, biết cải tạo, khắc phục thiên nhiên; cùng nhau cố kết thành cộng đồng để tìm ra nhiều cách “chống trời”, với quan niệm “biết sự trời mười đời không đói”... Chính trong khó khăn, gian khổ của quá trình sống và lao động; với ý chí, tinh thần mạnh mẽ, mà hun đúc nên đức tính cần cù, sáng tạo của con người Lý Bôn. Cần cù và sáng tạo trở thành một trong những giá trị văn hóa tinh thần, là lẽ sống, cội nguồn của những triết lý nhân sinh con người Cao Bằng, Bảo Lâm nói chung và con người Lý Bôn nói riêng.

- Truyền thống văn hóa đặc sắc và phong phú. Xã Lý Bôn là nơi sinh sống của 8 dân tộc: Mông, Tày, Dao, Nùng, Sán Chay ( Sán chỉ), Kinh, Thái và Mường. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hoá độc đáo, tạo nên sự phong phú và đa dạng về văn hóa.

Cũng như các địa phương khác ở Bảo Lâm, chợ phiên ở Lý Bôn cũng là một nét văn hóa độc đáo ở vùng đất này. Xã có chợ Nà Pồng, phục vụ hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá của nhân dân các xã: Lý Bôn, Vĩnh Quang, Vĩnh Phong, Đức Hạnh. Ngoài ra, còn có các chợ  Khuổi Vin. Các chợ có đặc điểm giống nhau là 5 ngày họp một phiên theo âm lịch. Phiên chợ vùng cao không chỉ là nơi buôn bán các mặt hàng nông sản, vải vóc và các vật dụng thiết yếu cho sinh hoạt, mà còn là ngày hội giao lưu văn hoá, giao lưu tình cảm giữa các dân tộc. Bên cạnh đó các chợ còn có nhiều hàng dịch vụ ăn uống. Chợ cũng có một khu dành riêng cho hoạt động mua bán các loại gia súc như trâu, bò, ngựa...

Văn nghệ dân gian của đồng bào các dân tộc xã Lý Bôn cũng rất phong phú. Đó là kho tàng truyện kể (truyền thuyết thần thoại, cổ tích, truyện cười), như: Truyện cổ Tày - Nùng, truyện cổ Dao, Mông. Thể loại văn vần dân gian cũng rất phong phú và đặc sắc, với những câu tục ngữ, bài hát ru, đồng dao, câu đố. Các dân tộc ở Lý Bôn đều có những lời ca, tiếng hát tràn đầy âm điệu thiết tha, phong phú, trữ tình. Dân tộc Tày, Nùng có chung làn điệu hát lượn, hát then, hoặc phong slư, nàng ới. Nghệ thuật hát then của người Tày, Nùng rất độc đáo, dịu êm, trở thành một nhu cầu quan trọng trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc Tày - Nùng. Dân tộc Mông, Dao, Sán Chỉ hát giao duyên ca ngợi phong cảnh làng quê hoặc hát đón vụ mùa bội thu, chúc năm mới làm ăn phát đạt, mọi người, mọi nhà đều có sức khoẻ...

Chính trong cuộc sống lao động sản xuất, người dân ở Lý Bôn đã sáng tạo ra nhiều loại hình văn hóa - thể thao như tung còn, đánh quay (trong các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng), , trò chơi lày cỏ (chủ yếu dân tộc Tày, Nùng)...

Trong đời sống tín ngưỡng của nhân dân các dân tộc ở Lý Bôn, nổi bật là tục thờ cúng tổ tiên và thổ thần. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên bắt nguồn từ quan niệm của người dân địa phương về hồn phách. Bàn thờ của các gia đình người Tày, người Nùng, người Dao đặt ở gian giữa nhà. Tùy theo từng nhà, nhà nào thờ bao nhiêu họ thì đặt bấy nhiêu bát hương.  Trên địa bàn xã còn có miếu thờ thổ thần Tả Cáp (Xóm Nà Mạt). 

- Truyền thống yêu nước: Từ thực tiễn cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, bảo vệ quê hương, đặc biệt là đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã hun đúc nên truyền thống yêu nước của nhân dân các dân tộc Lý Bôn. Truyền thống này tiếp tục được phát huy và là động lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Nguồn: Cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Lý Bôn

Tin liên quan
Tin tức






Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 readyChung nhan Tin Nhiem Mang