10/04/2025
Hồ Chí Minh bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về xây dựng Đảng cầm quyền và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Lượt xem: 9
PGS, TS TRẦN MINH TRƯỞNG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tóm tắt: Chủ tịch Hồ Chí Minh-người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong quá trình lãnh đạo xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Hồ Chí Minh luôn vận dụng, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn Việt Nam. Nghiên cứu tổng kết, đánh giá sự vận dụng, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những nội dung vừa toàn diện vừa cụ thể, phù hợp với đặc điểm thực tiễn Việt Nam; đồng thời tiếp tục nghiên cứu sâu thêm những vấn đề đặt ra, là công việc cần thiết, cấp bách, có ý nghĩa khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời góp phần bảo vệ những quan điểm đúng đắn của chủ nghĩa Mác-Lênin trong tình hình hiện nay.
Từ khóa: Đảng Cộng sản; xây dựng Đảng; Hồ Chí Minh; chủ nghĩa Mác-Lênin; Nhà nước pháp quyền

1. Hồ Chí Minh với việc bổ sung, vận dụng và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền
Theo lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, sự hình thành, phát triển của một đảng cộng sản được bắt đầu từ việc tuyên truyền giác ngộ, trang bị tư tưởng, lý luận cộng sản (của chủ nghĩa Mác) vào phong trào công nhân. Đội tiên phong của giai cấp công nhân thành lập ra chính đảng của mình: Đảng Cộng sản. Tuy nhiên, khi chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp thu lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin trên cơ sở nhận thức sâu sắc về tình hình, điều kiện lịch sử cụ thể ở Việt Nam. Người có những sáng tạo trong tổ chức Hội nghị hợp nhất, thành lập Đảng và xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Người chỉ rõ tình hình xã hội Việt Nam, đặc điểm giai cấp công nhân Việt Nam ra đời muộn, “vừa thiếu lại vừa yếu”: Yếu về trình độ nhận thức lý luận, yếu về ý thức chính trị, ý thức giai cấp..., thiếu về số lượng. Cho nên vấn đề tuyên truyền giác ngộ lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân Việt Nam phải thực hiện một cách gián tiếp, qua “hai khâu”. Khâu đầu tiên là vận động thanh niên trí thức yêu nước đi đào tạo, huấn luyện, trang bị cho họ lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin; khâu thứ hai là đưa những thanh niên được đào tạo, trang bị lý luận đi vào hoạt động tuyên truyền trong phong trào công nhân, với phương thức “vô sản hóa”, ba cùng để tiếp cận, trải nghiệm thực tiễn và tuyên truyền giác ngộ giai cấp công nhân; xây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng. Khi điều kiện thuận lợi, theo yêu cầu phát triển của cách mạng mới thành lập Đảng Cộng sản. Từ thực tiễn đó, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được Hồ Chí Minh khẳng định: như người có trí khôn, tàu có bàn chỉ nam.
Về thành phần, lực lượng tham gia Đảng Cộng sản, quan điểm của Hồ Chí Minh cũng có nhiều sáng tạo. Tuy vẫn xác định công-nông là gốc của cách mạng, là nòng cốt của Đảng, nhưng “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, vv..., để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp”. Ngay trong ý tưởng đó, đã thể hiên tư tưởng của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam phải gánh vác trọng trách đại diện và bảo vệ quyền lợi cho toàn dân tộc. Quan điểm này thể hiện rõ trong Báo cáo chính trị tại Đại hội II của Đảng (2-1951): “Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và toàn thể dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”.
Đây là một luận điểm rất mới của Hồ Chí Minh, có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn đối với phong trào cách mạng Việt Nam và là sự bổ sung kịp thời vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ quan điểm chỉ đạo mang tính xuyên suốt của Người, Đảng quán triệt, vận dụng trong cách mạng Việt Nam: Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân.
2. Hồ Chí Minh với việc bổ sung, vận dụng và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền nhà nước. Quá trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh gắn liền với những nhận thức, tìm kiếm, lựa chọn một hình thức, chế độ nhà nước thích hợp, thúc đẩy dân tộc Việt Nam phát triển theo đúng quỹ đạo tiến bộ xã hội.
Qua quá trình tìm đường cứu nước, cũng là quá trình khảo cứu về các mô hình nhà nước, sự hoạt động và bản chất của nó. Trong nhận thức của Hồ Chí Minh, nhà nước tư sản dù ở Mỹ hay ở Pháp, mặc dầu đã xác lập được một hệ thống giá trị theo các chuẩn mực dân chủ và nhân đạo, nhưng về thực chất vẫn là công cụ thống trị của giai cấp tư sản, vì lợi ích của thiểu số; đại bộ phận dân chúng vẫn bị bóc lột, nô dịch cả ở chính quốc lẫn ở các nước thuộc địa. Tính chất không triệt để của nhà nước dân chủ tư sản, ngay trong bản chất của nó đã bộc lộ những đối kháng không thể điều hòa và chắc chắn sẽ là nguyên nhân làm bùng nổ các cuộc cách mạng xã hội trong tương lai. Ở Hồ Chí Minh, việc lựa chọn kiểu nhà nước gắn bó chặt chẽ với mục tiêu giải phóng con người và phát triển xã hội. Cụ thể là, phải xây dựng một nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân, một nhà nước mà tất cả cán bộ, công chức, viên chức đều phải có tư tưởng phục vụ, là “công bộc của nhân dân”; lấy hạnh phúc của nhân dân làm thước đo hiệu quả.
Tính chất sáng tạo của Hồ Chí Minh là việc vận dụng kinh nghiệm việc xây dựng Nhà nước Xô viết để kiến tạo, xây dựng nhà nước kiểu mới ở Việt Nam. Lúc đầu (trong Chánh cương) Người đưa ra quan điểm sẽ xây dưng mô hình “nhà nước công-binh” kiểu mô hình Xô viết. Nhưng với tư duy không giáo điều, rập khuôn, Hồ Chí Minh chỉ lĩnh hội cái “tinh thần Xô viết” để xây dựng Nhà nước dân chủ cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á.
Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày càng được củng cố và hoàn thiện về các mặt: lập pháp, hành pháp và tư pháp; thật sự là công cụ quyền lực của nhân dân, đại diện cho ý chí, lợi ích và nguyện vọng của toàn dân tộc. Trong xây dựng và lãnh đạo Nhà nước, Hồ Chí Minh đã tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có phân công, phân nhiệm rõ ràng nhằm thực hiện mục tiêu dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Căn cứ vào các nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ, Người đã chỉ đạo tổ chức bộ máy nhà nước gọn, nhẹ, thích hợp, đủ năng lực và trí tuệ quản lý đất nước; đảm bảo là Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết của Mác-Lênin về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền; hình thành một hệ thống luận điểm khá hoàn chỉnh về xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Trong đó cơ bản những quan điểm của Hồ Chí Minh được hình thành và phát triển từ việc nghiên cứu vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Có thể khẳng định, đó là thành quả của một tư duy sáng tạo, thể hiện tư tưởng cách mạng và khoa học, được kiểm chứng trong tiến trình đấu tranh cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới của Hồ Chí Minh. Tuyệt nhiên đó không phải là sự vay mượn, chắp vá hay “nhập khẩu cách mạng”. Những quan điểm của Hồ Chí Minh thấm đượm khát vọng của nhân dân Việt Nam về độc lập, tự do, công bằng, văn minh, ấm no, hạnh phúc.
Thành công của Hồ Chí Minh trong việc xây dựng một chính đảng mác xít ở Việt Nam, xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa-một Nhà nước pháp quyền XHCN, thể hiện thiên tài về trí tuệ, sự mẫu mực về việc vận dụng lý luận vào thực tiễn của Người. Có thể nói rằng, xuất phát từ tinh thần yêu nước, thương dân, khát khao độc lập cho đất nước, tự do cho nhân dân, đứng trên lập trường mác xít (lịch sử duy vật và biện chứng), Hồ Chí Minh đã không ngừng bổ sung vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin trên nhiều lĩnh vực thực tiễn Việt Nam.
Tiến sĩ Modagat Ahmet-nguyên Giám đốc UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương khẳng định: “Chỉ có ít nhân vật lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại khi còn sống và rõ ràng cụ Hồ Chí Minh là một trong số đó; Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”.
Như vậy, các nội dung phản ánh những vấn đề rất căn bản, quan trọng, đồng thời thể hiện những sự phát triển khá đa dạng và sâu sắc về những khía cạnh khác nhau trong suốt quá trình Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước-hai thành tố quan trọng nhất, giữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ tiến trình, các phong trào cách mạng và toàn xã hội Việt Nam hiện nay. Từ việc nghiên cứu toàn diện, tổng kết, đánh giá một cách khách quan những kết quả việc vận dụng, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin của Hồ Chí Minh về xây dựng một đảng kiểu mới ở một nước thuộc địa, việc vận dụng, phát triển lý luận xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam; sự vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin của Hồ Chí Minh vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam, khẳng định giá trị ý nghĩa, phương pháp luận của việc vận dụng, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin đối với Đảng hiện nay, là cơ sở khoa học và lý luận để tiếp tục đề xuất nghiên cứu một cách toàn diện và sâu sắc hơn tư tưởng Hồ Chí Minh trong bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, về công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền và Nhà nước pháp quyền XHCN trong bối cảnh, tình hình mới.

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 2/2019
|