Vai trò của Hồ Chí Minh trong Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Lượt xem: 58
NGUYỄN VĂN CÔNG
Nguyên Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

 

Tóm tắt: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ, anh dũng của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Từ khóa: Chủ tịch Hồ Chí Minh; cách mạng Việt Nam; Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

anh tin bai
Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tính chất xã hội Việt Nam thay đổi: mâu thuẫn gay gắt giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với đế quốc Pháp và phong kiến đầu hàng, tay sai. Để giải quyết thành công mâu thuẫn đó đòi hỏi phải tìm ra con đường cứu nước, giành lại độc lập dân tộc thì xã hội Việt Nam mới tiếp tục phát triển. Năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Cuộc hành trình gần mười năm sau đó đưa Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc đến nhiều vùng đất thuộc châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ... Những chuyến đi giúp Người có cơ hội được quan sát, nhận biết sâu sắc diện mạo của thế giới TBCN. Đó cũng là quá trình Người học tập, tích lũy tri thức, nghiên cứu lý luận, đối chiếu lý luận với thực tế, tham gia hoạt động trong một số tổ chức chính trị-xã hội.
Từ những tinh hoa của dân tộc và thế giới, Nguyễn Ái Quốc đã khái quát nên chân lý, tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc; chân lý duy nhất đúng đắn cho dân tộc Việt Nam: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” và “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Từ bản Luận cương của V.I.Lênin, Người đã tìm thấy phương hướng và đường lối cơ bản của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, trong đó có cách mạng Việt Nam. Người ra sức tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin vào trong nước, chuẩn bị các điều kiện tiến tới thành lập Đảng Cộng sản để lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thành công.
Mùa Xuân năm 1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản được tiến hành dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị đặt tên đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng. Các văn kiện này trở thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời gắn liền với tên tuổi, trí tuệ, uy tín và đạo đức cách mạng, tính chủ động, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc.
Sau khi lãnh đạo thành lập Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ đạo công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, tích cực chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền. Tháng 6-1931, Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Anh bắt giam tại Hồng Kông, đến đầu năm 1933, Người được trả tự do. Từ năm 1934 đến năm 1938, Người nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa tại Matxcơva. Kiên trì con đường, mục tiêu độc lập đã xác định cho cách mang Việt Nam, Người tiếp tục theo dõi, chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Tháng 10-1938, Người rời Liên Xô về Trung Quốc bắt liên lạc với tổ chức đảng, mở lớp huấn luyện chính trị để chuẩn bị cán bộ đáp ứng yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới. Qua các tài liệu huấn luyện, Người nêu rõ sự nghiệp giải phóng dân tộc là sự nghiệp chung của các dân tộc, các giai cấp bị bóc lột ở Đông Dương. Toàn thể nhân dân Đông Dương không phân biệt dân tộc nào, giai cấp nào đều phải đồng tâm hiệp hội đoàn kết cùng nhau mới làm nổi.
Tại Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11-1939, sau khi phân tích những biến động của Chiến tranh thế giới II, chính sách tăng cường bóc lột và đàn áp của thực dân Pháp để phục vụ chiến tranh làm biến đổi đời sống kinh tế và chính trị ở Đông Dương, mâu thuẫn giữa nhân dân Đông Dương với đế quốc và tay sai ngày càng gay gắt, cuộc cách mạng đánh đổ đế quốc Pháp nhất định sẽ bùng nổ, Đảng nhận định cần phải có những thay đổi phù hợp: Cách mạng Đông Dương lúc này phải là cách mạng giải phóng dân tộc, đó chính là cách mạng tư sản dân quyền. Chống đế quốc và phong kiến là nhiệm vụ cơ bản của cách mạng tư sản dân quyền luôn luôn quan hệ khăng khít nhau nhưng hiện nay “nhiệm vụ chính cốt” là đánh đổ đế quốc.
Ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước sau 30 năm xa Tổ quốc. Sau một thời gian chuẩn bị, với danh nghĩa đại diện của Quốc tế Cộng sản, Người triệu tập HNTƯ 8 (từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941), tại Pác Bó-Cao Bằng. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Trường-Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên, đại biểu Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ (Bùi Sơn, Hồ Xuân Lựu) và một số đại biểu hoạt động ở nước ngoài.
Trên cơ sở đánh giá tình hình giai cấp và xã hội Việt Nam trong hoàn cảnh chiến tranh thế giới, với quan điểm lý luận gắn với thực tiễn cách mạng, Nguyễn Ái Quốc nêu cao vấn đề giải phóng dân tộc, coi đó là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng. Tiếp thu tư tưởng chỉ đạo của Người, NQTƯ 8 nêu rõ: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Xác định nhiệm vụ cách mạng ở Đông Dương lúc này là cách mạng giải phóng dân tộc, Hội nghị đã nêu vấn đề tổ chức nhà nước như thế nào sau khi giành độc lập. Trước đó, HNTƯ tháng 11-1939 của Đảng chủ trương thành lập Chính phủ Liên hiệp cộng hòa dân chủ Đông Dương. Tại Hội nghị này, Đảng chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ mỗi nước, nên từng nước sẽ thành lập Chính phủ riêng. Việt Nam sẽ thành lập Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và lấy lá cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ.
Với tầm nhìn chiến lược thấu đáo, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh, vào ngày 19-5-1941. Việt Minh có nghĩa là liên minh vì nền độc lập của dân tộc Việt Nam, đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, chống đế quốc, giành độc lập dân tộc, không phân biệt dân tộc, giai cấp, đảng phái, tôn giáo... Tháng 10-1941, Chương trình Việt Minh được công bố và phổ biến rộng trong các tầng lớp nhân dân yêu nước. Chương trình Việt Minh gồm có 10 chính sách về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa nhằm thực hiện hai điều lớn: Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; làm cho nhân dân Việt Nam được sung sướng, tự do. Chương trình, Điều lệ của Mặt trận Việt Minh đã nhanh chóng đi sâu vào các tầng lớp nhân dân vì nó đáp ứng được nguyện vọng tha thiết của nhân dân.
Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, phong trào Việt Minh đã thâm nhập vào các thôn xóm, bản làng, bám rễ và lớn mạnh không ngừng trong nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Ngày 6-6-1941, Người gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước tham gia đánh Pháp đuổi Nhật (“Kính cáo đồng bào”). Trong thư, Người viết: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng. Hỡi đồng bào yêu quý! Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: Người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng. Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề”. Bức thư của Nguyễn Ái Quốc như lời hiệu triệu của non sông, khơi dậy tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc của các tầng lớp nhân dân, động viên mọi người phát huy tính tự cường, đem sức mình để tự giải phóng. Để truyền tải tinh thần Mặt trận Việt Minh đến các địa phương trên cả nước, Đảng đã vận dụng nhiều hình thức tuyên truyền vận động phong phú, đa dạng như: truyền đơn, ca dao, hò, vè,... nhất là xuất bản nhiều sách báo cách mạng. Trong đó, sự ra đời của tờ báo Việt Nam Độc lập (gọi tắt là tờ Việt Lập-cơ quan ngôn luận của mặt trận Việt Minh) là một trong những hoạt động văn hóa tích cực, hiệu quả nhằm tuyền truyền, vận động, giáo dục cán bộ và đông đảo nhân dân quyết tâm đấu tranh giành độc lập, tự do.
Tháng 8-1942, Nguyễn Ái Quốc lấy tên là Hồ Chí Minh, đại diện cho Mặt trận Việt Minh và Phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội quốc tế chống xâm lược, sang Trung Quốc tìm sự liên minh quốc tế, cùng phối hợp hành động chống phát xít trên chiến trường Thái Bình Dương. Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam trong các nhà lao của tỉnh Quảng Tây. Người đã viết tập thơ Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) với 133 bài thơ chữ Hán. Tháng 9-1943, Người được trả tự do và cuối tháng 9-1944, Người trở về căn cứ Cao Bằng.
Tháng 10-1944, Hồ Chí Minh có “Thư gửi đồng bào toàn quốc” kêu gọi chuẩn bị triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc. Người nhấn mạnh: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh! Tôi mong rằng các đảng phái và các đoàn thể đều ra sức chuẩn bị cùng nhau thảo luận, để khai cuộc Toàn quốc đại biểu Đại hội trong năm nay. Như vậy thì ngoại viện nhất định cầu được, cứu quốc nhất định thành công”.
Thực hiện chủ trương của HNTƯ 8 (5-1941) là thành lập lực lượng vũ trang toàn quốc bằng nhiều hình thức trong đó có việc “Mở rộng và củng cố các tổ chức cứu quốc sẵn có làm cho các đoàn thể có một tinh thần hy sinh tranh đấu, sẵn sàng gây cuộc khởi nghĩa”, “Phải có những tổ chức tiểu tổ du kích, du kích chính thức và tổ chức binh lính đế quốc”, tháng 12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân-tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay.
Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật đảo chính hất cẳng Pháp độc chiếm Đông Dương, Chiến tranh thế giới II bước vào giai đoạn cuối với những thắng lợi của Liên Xô và các nước Đồng minh. Ngày 4-5-1945, Hồ Chí Minh rời Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang) sau sự kiện Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản, Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hirôsima. Ngày 12-8-1945, Hồ Chí Minh cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước và mở Hội nghị toàn quốc của Đảng. Người viết “Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa”: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.
Hội nghị toàn quốc của Đảng (họp từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945) ra quyết định Tổng khởi nghĩa. Tiếp theo đó, Quốc dân Đại hội họp ngày 16-8-1945, dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh, thể hiện sự đoàn kết toàn dân, đã nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa và bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, đồng thời quy định Quốc kỳ và Quốc ca của nước Việt Nam mới. Từ Quốc dân Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Tổng khởi nghĩa. Theo lời kêu gọi của Người, toàn dân ta đã nhất tề đứng dậy làm Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Hồ Chí Minh trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình, đã khai sinh ra một Nhà nước Việt Nam mới-Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi vĩ đại này đã lật đổ ách thống trị của phát xít Nhật và thực dân Pháp, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận người nô lệ trở thành công dân một nước Việt Nam độc lập, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên độc lập, tự do và CNXH.
Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á vừa được thành lập đã phải bước ngay vào cuộc đấu tranh quyết liệt cho sự tồn tại của mình. Thực dân Pháp và sau đó là đế quốc Mỹ với dã tâm xâm lược đã không từ mưu mô, thủ đoạn nhằm thôn tính Việt Nam, biến Việt Nam trở thành thuộc địa, biến người dân Việt Nam trở lại thân phận những người bị áp bức. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhân nhượng để cứu vãn hòa bình, đẩy lùi chiến tranh song khi kẻ thù có những hành động vượt quá giới hạn cho phép thì Người cùng toàn thể dân tộc Việt Nam đồng lòng, đồng sức, đồng tâm với tinh thần và quyết tâm “nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm (1945-1954), kết thúc thắng lợi bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp vừa kết thúc, thì đế quốc Mỹ lại can thiệp vào miền Nam Việt Nam, âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Với tinh thần và quyết tâm “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, thực hiện Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí, niềm tin, củng cố đội ngũ, từng bước đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, từ Đồng khởi đến Tổng tiến công Mậu Thân (1968), tiếp đó là “Điện Biên Phủ trên không” (1972) và cuối cùng là Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Cuộc chiến tranh kéo dài gần 30 năm của nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi. Miền Nam được giải phóng, đất nước Việt Nam được hòa bình, độc lập, thống nhất và đi lên CNXH, đang hòa nhập và phát triển hội nhập cùng bạn bè quốc tế. Những thắng lợi vẻ vang đó gắn liền với đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho nhân dân và xây dựng CNXH.
Lật giở lại những trang lịch sử Đảng, chúng ta càng thấy rõ tầm vóc và ảnh hưởng to lớn của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam vô cùng tự hào và biết ơn vị lãnh tụ suốt đời hy sinh, cống hiến vì nền độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân và để lại cho các thế hệ mai sau một di sản tinh thần vô cùng quý báu, đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà ngày nay toàn Đảng, toàn dân đang ra sức học tập và làm theo. Con đường dẫn tới thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là con đường cách mạng vô sản với mục tiêu độc lập, tự do và CNXH như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra. Đó là con đường cách mạng triệt để mà thành quả của nó là giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi áp bức bất công, hướng tới tự do, hạnh phúc, công bằng và văn minh.
 
 
 
Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 8-2020
Tin tức






Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 readyChung nhan Tin Nhiem Mang