“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - Chân lý mở đầu thời đại Hồ Chí Minh
Lượt xem: 12
PGS, TS TRẦN ĐỨC CƯỜNG
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

Tóm tắt: Độc lập-tự do-hạnh phúc là mục tiêu cao cả, thể hiện nội dung cơ bản của quyền dân tộc và quyền con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và đã suốt đời đấu tranh cho nền độc lập của dân tộc Việt Nam, quyền tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam. Những giá trị của độc lập và tự do là mục tiêu của cả dân tộc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, chống giặc ngoại xâm, đưa nước ta sang một thời đại mới-thời đại độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội: Thời đại Hồ Chí Minh.

Từ khóa: Độc lập, tự do; thời đại Hồ Chí Minh

anh tin bai
1. Trong lịch sử nhân loại, ngay từ cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, những phát kiến lớn về địa lý đã báo hiệu “Buổi bình minh của thời đại sản xuất tư bản chủ nghĩa” mà thực chất là thời kỳ tích lũy tư bản thấm đầy mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu của nhân dân lao động. Đây cũng chính là buổi khai sinh thời đại chủ nghĩa tư bản thực dân phương Tây, dù lúc đó, các cuộc cách mạng tư sản chưa nổ ra ở bất kỳ nước nào trên thế giới.
Chủ nghĩa thực dân (CNTD) tồn tại trong một thời kỳ lịch sử lâu dài, thậm chí còn có trước cả CNTB, luôn gắn liền với các cuộc tìm kiếm thị trường và nguồn nguyên liệu sản xuất ở các nước tiền tư bản. Trong cái nhìn của các dân tộc bị áp bức, CNTD là sản phẩm của CNTB, là vết nhơ trong lịch sử nhân loại và nó đã tạo ra một thời kỳ đau thương cho các dân tộc thuộc địa ở châu Á, châu Phi và Mỹ latinh.
Dù bị lên án như vậy, nhưng CNTD đã từng tồn tại suốt 5 thế kỷ, tính từ thời điểm thực dân Bồ Đào Nha xâm chiếm bán đảo Malacca ở Đông Nam Á, năm 1511 làm mốc mở đầu cho thời kỳ CNTD và lấy năm 1999, khi Ma Cao trở về Trung Quốc, là mốc cáo chung của CNTD sau khi Liên hợp quốc thông qua bản Tuyên ngôn về việc thủ tiêu hoàn toàn CNTD và trao trả độc lập cho các quốc gia và dân tộc thuộc địa vào năm 1960.
Từ cuối thế kỷ XIX, CNTB chuyển sang thời kỳ phát triển của CNĐQ với việc xâm chiếm thuộc địa của các nước tư bản được thực hiện rất ráo riết. “Cho đến năm 1914, các đế quốc Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Đức, Nga đã chiếm một khu vực thuộc địa rộng 65 triệu km2 với dân số 523,4 triệu người (so với diện tích các nước đó là 16,5 triệu km2 và dân số 437,2 triệu người). Riêng diện tích các thuộc địa của Pháp là 10,6 triệu km2 với số dân 55,5 triệu (so với diện tích nước Pháp là 0,5 triệu km2 và dân số 39,6 triệu người)”.
Chịu chung số phận với các nước thuộc địa châu Á, châu Phi và Mỹ latinh, Việt Nam, với vị trí địa chính trị và địa kinh tế, là nước có nhiều tiềm năng về tài nguyên, khoáng sản nằm ở trung tâm Đông Nam Á lục địa, lại nhìn ra Biển Đông, mau chóng nằm trong tầm ngắm của các thương nhân phương Tây, thoạt đầu là thương nhân Bồ Đào Nha. Sau khi nhòm ngó Trung Quốc (1514), Philippines (1521), năm 1524, thương cảng Hội An của Việt Nam cũng sớm được các thương nhân Bồ Đào Nha đến buôn bán. Tiếp đó, các thương nhân Hà Lan đã đến đặt được Thương điếm ở Hội An (1636), Phố Hiến (1637).
Tư bản Anh, Pháp dù đến sau nhưng cũng đẩy nhanh tiến độ xâm nhập Việt Nam, nhất là tư bản Pháp. Dù phải trải qua một quá trình lâu dài trong nhiều năm tìm cách và tạo cớ nhưng đến ngày 1-9-1858, thực dân Pháp đem 13 tàu chiến, 2.500 quân, có sự phối hợp của 1 tàu chiến và 450 quân Tây Ban Nha nổ súng vào hệ thống đồn lũy tại cửa biển Đà Nẵng rồi cho quân đổ bộ lên bán đảo Sơn Trà, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam. Đến năm 1862, thực dân Pháp đánh chiếm miền Đông Nam Kỳ, năm 1867 chiếm miền Tây Nam Kỳ và biến toàn bộ vùng đất lục tỉnh trù phú này thành thuộc địa của chúng. Sau đó, chúng kéo quân ra đánh chiếm Bắc Kỳ, buộc triều đình Huế ký Hiệp ước Harmand năm 1883. Sau đó gần 1 năm, năm 1884, ký Hiệp ước Patenotre, biến nước ta thành thuộc địa của chúng.
Trái với chính sách đóng cửa và không thấy hết mưu đồ xâm lược của thực dân Pháp, thoạt đầu “chủ hòa”, sau đó là “chủ hàng” của triều đình Huế và một bộ phận không nhỏ quan lại trong triều đình, ngay từ khi giặc Pháp có những hành động đầu tiên xâm lược Việt Nam, nhân dân ta ở cả Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ đã kiên quyết chống lại âm mưu và các hành động xâm lược của thực dân Pháp, bảo vệ và kiên quyết giành lại nền độc lập quốc gia. Ngay trên các chiến trường, nhân dân ở một số nơi như Gia Định, Biên Hòa, Định Tường đã tổ chức thành phong trào quyên góp tiền bạc nuôi quân và thu nhặt sắt thép để rèn đúc vũ khí chống giặc, mặc cho quân triều đình lúc ấy, do nhiều lý do khác nhau, chủ yếu không biết dựa vào sức mạnh của toàn dân, đã liên tiếp thất bại hết trận này đến trận khác. Chính các nhà sử học Pháp đã đánh giá: “Những cuộc thất bại của quân đội An Nam không ảnh hưởng chút nào đến tình hình ứng nghĩa ở vùng bị chiếm đóng”. Chính vì vậy, đội quân xâm lược đã gặp phải tình thế khó khăn: “Trung tâm kháng chiến ở khắp mọi nơi, chia nhỏ ra vô cùng, hầu như có bao nhiêu người An Nam thì có bấy nhiêu trung tâm kháng chiến”. Khi thực dân Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, phong trào ứng nghĩa nổi lên mạnh mẽ, thu hút được sự tham gia của rất nhiều nghĩa binh. Dưới sự chỉ huy của Trương Định có 6.000 người, của Nguyễn Thành Ý có 2.000 người, của Phan Trung có 2.000 người...
Thời gian này, ở Nam Kỳ nổi lên nhiều thủ lĩnh nghĩa quân nổi tiếng như Trần Xuân Hòa, Phan Văn Đạt, Đỗ Trình Thoại, Nguyễn Trung Trực-người đã chỉ huy trận đánh pháo hạm Espérance (Hy vọng) của Pháp, tiêu diệt 37 tên địch, sau khi bị giặc bắt, để lại câu nói bất hủ trong lịch sử Việt Nam “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.
Trong suốt quá trình thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, bên cạnh sự chống đỡ cầm chừng của triều đình Huế, các tầng lớp nhân dân Việt Nam, chủ yếu dưới sự lãnh đạo của các văn thân yêu nước ở cả ba miền Nam, Trung, Bắc đã kiên quyết đứng lên chống xâm lược, vì nền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là các cuộc khởi nghĩa do Trần Tấn và Đặng Như Mai, Phan Đình Phùng, Cao Thắng (ở Nghệ Tĩnh), Trần Quang Dự, Nguyễn Hàm, Nguyễn Duy Hiệu (ở Quảng Nam), Lê Trung Đình (ở Quảng Ngãi), Mai Xuân Thưởng (ở Bình Định), Nguyễn Quang Bích (ở Tây Bắc), Tạ Hiện (ở Thái Bình, Nam Định), Nguyễn Thiện Thuật (ở Hưng Yên, Hải Dương), Phạm Bành, Đinh Công Tráng (ở Thanh Hóa),...
Trong các cuộc khởi nghĩa nêu trên, có một số cuộc phát động theo tinh thần hưởng ứng chiếu Cần Vương, phò vua Hàm Nghi cứu nước, nhưng thực chất, đây đều là các cuộc khởi nghĩa thể hiện tính chất yêu nước của các tầng lớp nhân dân, phong trào chống thực dân xâm lược, chống một bộ phận triều đình Huế đầu hàng giặc, thậm chí làm công cụ đàn áp các cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Tập trung cao độ cho mục tiêu này được thể hiện trong khẩu hiệu của cuộc khởi nghĩa Giáp Tuất (1874) ở Nghệ An và Hà Tĩnh do Trần Tấn và Đặng Như Mai lãnh đạo:
“Dập dìu trống đánh cờ xiêu
Phen này quyết đánh cả Triều lẫn Tây”
Với tư tưởng này, nhân dân ta đã có một nhận thức mới: Muốn giữ được độc lập, chống thực dân Pháp phải đi cùng với việc chống một bộ phận trong giai cấp phong kiến đầu hàng giặc!
Song, do tương quan lực lượng và do các phong trào yêu nước, các cuộc khởi nghĩa không có sự phối hợp chặt chẽ với nhau nên đều bị thực dân Pháp với trang bị vũ khí hơn hẳn dìm trong biển máu và thất bại, kể cả cuộc Khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo kéo dài đến gần 30 năm (1884-1913). Các cuộc khởi nghĩa nêu trên chủ yếu là con đường giải phóng dân tộc theo hệ tư tưởng phong kiến, phần lớn do tầng lớp sĩ phu lãnh đạo, chủ yếu dựa vào lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân, thiếu đường lối cứu nước đúng đắn.
Bước sang thế kỷ XX, khi ý thức hệ tư sản phương Tây có điều kiện du nhập vào Việt Nam, các sĩ phu yêu nước tiến bộ có xu hướng tư sản hóa, cùng với một số tư sản và tiểu tư sản mới xuất hiện trong hai thập niên đầu thế kỷ XX, mau chóng tiếp thu tư tưởng này. Họ muốn nhanh chóng đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, xóa bỏ ách thống trị, nô dịch của CNTD và phong kiến tay sai, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân và đi theo con đường TBCN. Từ xu hướng này, ở Việt Nam xuất hiện hai xu hướng cứu nước chính: xu hướng bạo động do Phan Bội Châu tổ chức, lãnh đạo và xu hướng cải cách do Phan Châu Trinh đề xướng. Các phong trào Đông Du do Phan Bội Châu chủ trương, tổ chức đưa thanh niên sang Nhật học tập, chuẩn bị những người làm nòng cốt cho công cuộc vũ trang chống Pháp hoặc phong trào Duy Tân, cải cách do Phan Châu Trinh và một số nhà yêu nước đề xướng, vận động thực hiện theo chủ trương: Thực hiện chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh, đòi thực hiện quyền dân chủ, là sự thể hiện của tư tưởng yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản.
Cũng cần kể đến một số hoạt động của một số nhà yêu nước đã lập Trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội với các tên tuổi như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền mà mục đích không có gì khác là cổ động tinh thần yêu nước, phê phán chính sách cai trị của thực dân Pháp, khuyến khích cải cách...
Dù tính chất phong trào dân tộc ở nước ta vào đầu thế kỷ XX có sự chuyển biến tích cực nhưng do có sự khủng hoảng đường lối giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước nên trước sau đều bị thực dân Pháp khủng bố, đàn áp... Giữa lúc ấy, năm 1919, tại Paris, thủ đô của nước Pháp, Hội nghị Hòa Bình của 27 quốc gia thuộc Khối Hiệp ước thắng trận được tổ chức, bàn về những điều kiện chấp nhận sự đầu hàng của Đức và các nước đồng minh của Đức và thông qua quyết định thành lập Hội Quốc liên với nhiệm vụ đặt ra là tổ chức quốc tế có chức năng bảo đảm trật tự thế giới sau chiến tranh. Nguyễn Tất Thành thay mặt những người Việt Nam yêu nước sống tại Pháp gửi Bản yêu sách của nhân dân An Nam, ký tên Nguyễn Ái Quốc, gồm 8 điểm: Ân xá chính trị phạm, cải cách pháp lý, tự do báo chí và tư tưởng, tự do lập hội và hội họp, tự do cư trú ở nước ngoài và xuất dương, tự do học tập và mở mang trường học, thay đổi sắc lệnh bằng đạo luật và người bản xứ ở các thuộc địa phải có đại biểu trong Quốc hội Pháp... Bản yêu sách được gửi cho đại biểu Pháp, Mỹ, Nicaragoa, được đăng trên báo L’Humanite (Nhân đạo) số ngày 18-6-1919. Bản yêu sách còn được đăng trên tờ Journal du Peuple (Nhật báo Dân chúng).
Dù bản yêu sách chưa trực tiếp đòi độc lập cho Việt Nam và các nước khác trên bán đảo Đông Dương nhưng yêu sách về quyền chính trị của người dân đã được nêu rõ. Đó là việc đòi Chính phủ Pháp: “1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị; 2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;...”.
Thất vọng vì thái độ của chính phủ các nước Đồng minh tại Hội nghị Vécxây, trong đó có Chính phủ Pháp, đã hoàn toàn làm ngơ, không xem xét và chấp nhận đòi hỏi của Nhóm những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc càng hăng hái hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước và giai cấp công nhân Pháp mà mục tiêu là tìm con đường giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách áp bức của thực dân Pháp. Chính vì vậy mà khi được đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin đăng trên báo L’Humanite trong hai ngày 16 và 17-7-1920, Nguyễn Ái Quốc đã “rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ và tin tưởng biết bao!” vì đã tìm ra con đường để giành độc lập cho dân tộc. Người nói: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.
 
2. Tìm thấy con đường đấu tranh giải phóng cho dân tộc mình, Nguyễn Ái Quốc hăng say hoạt động trong phong trào công nhân Pháp và phong trào công nhân quốc tế. Bởi, Người cho rằng, tất cả những lời lẽ về tự do, dân chủ và quyền tự quyết của các dân tộc, mà điển hình là Chương trình 14 điểm của Tổng thống Mỹ Wilson tuyên truyền vào thời gian sau khi Chiến tranh thế giới I kết thúc “chỉ là một trò bịp bợm”. Muốn giành được độc lập, tự do, các dân tộc bị áp bức phải tin cậy trước hết vào lực lượng của bản thân mình và liên minh với giai cấp vô sản ở các nước. Với suy nghĩ ấy, Nguyễn Ái Quốc đã cùng với nhiều chiến sĩ yêu nước của Angieri, Tuynidi, Maroc, Madagaska, Macstinich lập Hội Liên hiệp thuộc địa ở Paris và tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) để tuyên truyền, vận động cách mạng ở các thuộc địa mà nội dung chủ yếu là tố cáo tội ác của CNTD, cổ vũ cuộc đấu tranh bất khuất của nhân dân các dân tộc bị áp bức tiến tới giành độc lập cho nhân dân mỗi nước.
Nghiên cứu các vấn đề lý luận cách mạng và tìm hiểu thực tiễn đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Việt Nam và một số nước phương Đông như Trung Quốc, Ấn Độ, Nguyễn Ái Quốc đưa ra một nhận xét rất xác đáng về đặc điểm ở các nước này. Người viết: “Cuộc đấu tranh giai cấp (ở phương Đông-TG) không diễn ra giống như ở phương Tây”. Người còn nêu lên một câu hỏi khi đối chiếu những nội dung và cơ sở của học thuyết về đấu tranh giai cấp ở phương Tây với phương Đông: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”.
Qua việc nghiên cứu những đặc điểm của xã hội Việt Nam, trong lịch sử cũng như trong cuộc đấu tranh giành độc lập, Nguyễn Ái Quốc đi đến kết luận: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”.
Để vận động các dân tộc bị thực dân áp bức, bóc lột, ngay từ khi còn hoạt động ở Pháp và sau đó ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc thu thập tài liệu và viết cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp. Cuốn sách được công bố một số phần trên các báo Le Paria và La Vie Ouvriere từ năm 1922 đến năm 1924 và được Thư quán Lao động (Librairie du travail) công bố lần đầu tiên ở Paris năm 1925. Cuốn sách gồm 12 chương, chủ yếu vạch trần chính sách và các thủ đoạn áp bức bóc lột vô cùng tàn bạo của thực dân Pháp ở Việt Nam, đến mức: “Chưa có bao giờ, ở một nước nào mà người ta lại vi phạm mọi quyền làm người một cách dã man, độc ác, trắng trợn như thế”. 
Trong Chương XII của cuốn sách với tiêu đề “Nô lệ thức tỉnh”, Nguyễn Ái Quốc kêu gọi nhân dân các nước bị áp bức, dù đó là người Đông Dương hay người Đahômây, người Xiri..., phải đoàn kết lại, phải kết hợp với giai cấp vô sản ở các nước TBCN để chống kẻ thù chung là CNTB. Người đưa ra một hình tượng rất sinh động về sự cần thiết phải xây dựng mối liên minh quan trọng này: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa. Nếu muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi còn lại kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản, con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt sẽ lại mọc ra”.
Trong các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện chính trị của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, tổ chức do Người thành lập từ năm 1925 tại Quảng Châu, Trung Quốc, sau đó được tập hợp lại thành cuốn Đường Kách mệnh, Nguyễn Ái Quốc viết rõ mục tiêu độc lập, tự do mà dân tộc Việt Nam tiến tới qua cuộc “dân tộc cách mệnh”: “Một nước cậy có sức mạnh đến cướp một nước yếu, lấy võ lực cai trị dân nước ấy, và giành hết cả quyền kinh tế và chính trị. Dân nước ấy đã mất cả tự do và độc lập, lại làm ra được bao nhiêu thì bị cường quyền vơ vét bấy nhiêu... Nói tóm lại là bọn cường quyền này bắt dân tộc kia làm nô lệ, như Pháp với An Nam. Đến khi dân nô lệ ấy chịu không nổi nữa, tỉnh ngộ lên, đoàn kết lại, biết rằng thà chết được tự do hơn sống làm nô lệ, đồng tâm hiệp lực đánh đuổi tụi áp bức mình đi; ấy là dân tộc cách mệnh”.
Thấy rõ ý chí độc lập, tự do của nhân dân Đông Dương trong đó có người Việt Nam, trên Tạp chí Cộng sản của Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc viết: “người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến”. Chính vì vậy, khi điều kiện đã chín muồi cho việc thành lập một chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng được thông qua tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo nêu rõ con đường giải phóng và phát triển của dân tộc Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, và nhiệm vụ về mặt chính trị là: “a. Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, b. Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập”, về mặt xã hội là: “a. Dân chúng được tự do tổ chức, b. Nam nữ bình quyền, v.v.. c. Phổ thông giáo dục theo công nông hóa”.
Các nội dung trên thể hiện mục tiêu và nhiệm vụ vì độc lập và tự do đã được quán triệt trong một thời gian dài của cuộc cách mạng giải phóng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được đánh giá rất cao về tầm chiến lược: “Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng là Cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân và tiến đến một cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho mọi tầng lớp trong xã hội đã là mục tiêu chiến đấu của biết bao chiến sĩ cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Họ là các chiến sĩ trong cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ-Tĩnh, là những người dân yêu nước, là công nhân, nông dân đã tham gia đấu tranh với giới chủ tư bản và chính quyền thực dân bất chấp sự đàn áp, khủng bố của kẻ thù trong các cuộc đình công, bãi công của nhà máy xi măng Hải Phòng, dệt Nam Định, đồn điền Phú Riềng, nhà máy xe lửa Dĩ An, nhà máy Diêm, nhà máy cưa Bến Thủy, khu mỏ Mông Dương... Họ là những người đã tổ chức và tham gia trong các cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy đèn Chợ Quán, khu mỏ Hòn Gai, của nông dân Đức Hòa, Cao Lãnh, Chợ Mới, Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh, Bến Tre, Mỹ Tho, Thủ Dầu Một, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thái Bình, Kiến An, Hà Nam,... Họ là những chiến sĩ cách mạng, trước hết là các đảng viên cộng sản bị thực dân bắt bớ, tra tấn, giam cầm rồi thậm chí bị giết hại ở cả một hệ thống nhà tù dày đặc của thực dân Pháp, từ Hỏa Lò đến Sơn La, Kon Tum, Lao Bảo, Côn Đảo, Thừa Phủ, Chí Hòa, Khám Lớn (Sài Gòn),... Sự khủng bố tàn bạo của thực dân Pháp đối với những chiến sĩ cách mạng, những người yêu nước Việt Nam thể hiện rõ nhất sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940. Chỉ tính riêng khoảng thời gian từ ngày 22-11-1940 đến ngày 31-1-1941, thực dân Pháp đã bắt giam 7.048 người. Sau đó, chúng đã đưa ra xử gần 3.000 người và kết án 2.258 người với mức án cao nhất là tử hình (158 người) đến các mức án thấp nhất là 5 năm khổ sai và 5 năm quản thúc (722 người). 
Chính vì luôn nhắm tới mục tiêu độc lập và tự do nên sau khi Chiến tranh thế giới II bùng nổ, trước việc Chính phủ Pháp thực hiện chính sách phát xít đàn áp những người cộng sản và những người dân chủ, tiến bộ ở ngay chính quốc và ở Đông Dương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp hội nghị tại Bà Điểm (Hóc Môn-Gia Định) từ ngày 6 đến ngày 8-11-1939 quyết định chủ trương mới đáp ứng những yêu cầu của cách mạng. Hội nghị cho rằng lúc này, tình hình thế giới và trong nước đã có nhiều thay đổi. Cao trào đấu tranh dân sinh, dân chủ trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương đã khép lại, độc lập, tự do trở thành yêu cầu số một, hết sức cấp bách đối với mỗi dân tộc trên bán đảo Đông Dương. Hội nghị cho rằng: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng dân tộc... Sự bóc lột tàn ác của đế quốc Pháp ở Đông Dương để cung cấp cho chiến tranh sẽ làm cho dân Đông Dương ngày càng cách mệnh hơn. Cuộc cách mệnh đánh đổ đế quốc Pháp của các dân tộc Đông Dương nhất định sẽ bùng nổ”.
Sau đó, trước những biến chuyển mau lẹ trên thế giới và trong nước, khi Chiến tranh thế giới II ngày càng lan rộng và ác liệt, ở Việt Nam, ngày 22-9-1940, quân đội Nhật vượt biên giới tiến vào Lạng Sơn, thực dân Pháp đã cam tâm chấp nhận những yêu sách do quân phiệt Nhật đặt ra, tròng vào cổ nhân dân ta cùng lúc cả ách áp bức của đế quốc Pháp và Nhật. HNTƯ Đảng diễn ra tại Khuổi Nặm, làng Pắc Bó, Hà Quảng, Cao Bằng, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì (tháng 5-1941), đã phân tích kỹ về tình hình trong nước và thế giới, về nhiệm vụ của Đảng và nhân dân cả nước. Hội nghị cho rằng Pháp, Nhật là kẻ thù của toàn thể nhân dân Đông Dương, vì vậy, nhân dân Đông Dương lúc này có chung một nguyện vọng là đánh đuổi Pháp-Nhật, giành lại quyền độc lập, tự do cho xứ sở. Nhiệm vụ đó ngày càng trở nên bức thiết: “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Với mục đích kêu gọi các tầng lớp nhân dân nêu cao truyền thống yêu nước, đồng tâm hiệp lực đánh đuổi đế quốc Pháp-Nhật, giành độc lập, tự do cho đất nước, ngày 6-6-1941, Nguyễn Ái Quốc gửi thư “Kính cáo đồng bào” nêu rõ: “Trong lúc này, quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại, đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng.
Hỡi đồng bào yêu quý! Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm...
Hỡi các chiến sĩ cách mạng! Giờ giải phóng đã đến. Hãy phất cao cờ độc lập, lãnh đạo toàn dân đánh tan thù chung”.
Trong chương trình của Mặt trận Việt Minh được chính thức thành lập ngày 19-5-1941, khẳng định: “Cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước: 1. Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; 2. Làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do”.
Có thể khẳng định: Những biến chuyển trên thế giới và đất nước từ sau khi Chiến tranh thế giới II nổ ra và lan rộng, việc thay đổi chiến lược cách mạng từ cách mạng tư sản dân quyền theo quan niệm trước đó sang “cách mạng dân tộc giải phóng” đã thể hiện sự sáng suốt và nhạy bén của Đảng Cộng sản và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, trong suốt thời kỳ từ năm 1941 đến năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân ở Việt Nam tập hợp quanh Mặt trận Việt Minh tăng cường lực lượng về mọi mặt, tấn công liên tục vào kẻ thù là đế quốc Pháp và quân phiệt Nhật Bản, với khẩu hiệu “Đánh Pháp, đuổi Nhật”, sau khi Nhật đảo chính Pháp là “Kháng Nhật cứu nước”, giành độc lập tự do được nêu cao. Các căn cứ địa và lực lượng võ trang cách mạng, sau đó là các UBND cách mạng được lập ra ở nhiều nơi, từ Bắc Bộ đến Trung Bộ.
Từ giữa năm 1945, làn sóng khởi nghĩa từng phần dâng cao ở các địa phương, chủ động phát động phong trào “Phá kho thóc Nhật, giải quyết nạn đói” của Mặt trận Việt Minh có sức thu hút mạnh mẽ nhân dân ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ lúc ấy đang chịu ảnh hưởng của nạn đói do Nhật-Pháp gây ra làm gần 2 triệu người chết đói. Cùng lúc, nhân dân Nam Bộ phát động một cuộc vận động quyên tiền, quyên gạo ủng hộ đồng bào bị đói ở Bắc Bộ và Trung Bộ, dấy lên tình cảm “máu chảy ruột mềm trong cả nước”. Ý thức độc lập, tự do cho đất nước càng được hâm nóng hơn. Trong tình hình ấy, Trung ương Đảng nêu khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật”, “Thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân” và phát động cao trào “Kháng Nhật cứu nước” mạnh mẽ, làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa trên toàn quốc. Trong tình hình ấy, tháng 7-1945, Hồ Chí Minh đã nói lên quyết tâm của cả dân tộc Việt Nam: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải cương quyết giành cho được độc lập”. Giữa tháng 8-1945, tình thế cách mạng đã trở nên rất chín muồi cho một bước ngoặt lịch sử của đất nước:
Ngày 13-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Cơ hội ngàn năm có một cho nhân dân Việt Nam giành độc lập đã tới. Nhân dân ta đã giành chính quyền từ tay quân phiệt Nhật Bản bằng một cuộc chạy đua nước rút, trước khi quân Đồng minh, cụ thể là hàng chục vạn quân Trung Hoa Dân quốc và quân đội Anh kéo vào Đông Dương tước khí giới quân Nhật.
Trong tình thế ấy, ngay trong ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng đã họp, quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào đã đồng ý tán thành phát động tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Ngày 18-8-1945, Hồ Chí Minh lúc này là Chủ tịch Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam đã viết thư kêu gọi “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Lời kêu gọi của Trung ương Đảng, Mặt trận Việt Minh, Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh được đồng bào cả nước nhiệt liệt hưởng ứng. Vì vậy, cuộc tổng khởi nghĩa đã nổ ra và giành thắng lợi trong toàn quốc trong vòng nửa tháng, mở đầu từ ngày 14-8-1945 ở các tỉnh Quảng Ngãi; ngày 18-8 ở Hải Dương, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Nam;  ngày 19-8 ở Hà Nội; những ngày tiếp đó là các địa phương Thái Bình, Khánh Hòa, Yên Bái, Bắc Ninh, Sơn Tây, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Nam Định, Phú Yên, Nghệ An, Ninh Thuận, Cao Bằng, Kiến An, Hưng Yên, Tân An, Thừa Thiên Huế, Hà Đông, Hòa Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Lâm Viên, Bạc Liêu, Gia Lai, Hà Nam, Đắk Lắk, Gò Công, Quảng Yên, Sài Gòn Chợ Lớn, Sơn La, Phú Thọ, Gia Định, Bà Rịa, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bến Tre, Bình Thuận, Thủ Dầu Một, Sa Đéc, Mỹ Tho, Tây Ninh, Long Xuyên, Kom Tum, Cần Thơ, Châu Đốc, Biên Hòa, Rạch Rá, Đồng Nai, Hà Tiên.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một sự kiện trọng đại trong lịch sử, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, đưa nước Việt Nam vào một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập dân tộc và CNXH. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, ước vọng trong gần 80 năm của dân tộc Việt Nam đã đạt được, đó là ước vọng độc lập cho đất nước và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. 
Kể từ khi nước Việt Nam trở thành đối tượng xâm lược và nô dịch vào giữa thế kỷ XIX, nhân dân Việt Nam, thế hệ này đến thế hệ khác, đã anh dũng đứng lên chiến đấu, quyết giành cho được nền độc lập và tự do thiêng liêng của đất nước. Nhưng, những cuộc khởi nghĩa, những phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân đều bị thế lực thực dân, đế quốc dìm trong biển máu, chỉ đến khi con đường giải phóng dân tộc được bộ phận ưu tú nhất của dân tộc-Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện-vận dụng con đường cứu nước đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thời đại: con đường cách mạng vô sản nhằm tập hợp các giai cấp, tầng lớp yêu nước dưới ngọn cờ độc lập, tự do, sự nghiệp cách mạng ấy mới thành công. Kể từ năm 1919, khi Nguyễn Tất Thành thay mặt Nhóm những người Việt Nam yêu nước ở Pháp gửi tới các nhà lãnh đạo các nước tại Hội nghị Vécxây nêu rõ nguyện vọng của dân tộc Việt Nam đến năm 1945, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đã trải qua hơn 20 năm. Những giá trị về độc lập và tự do đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong tác phẩm bất hủ là bản Tuyên ngôn Độc lập của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc trước quốc dân ngày 2-9-1945: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Tuyên bố trên đây là sự khẳng định của người đứng đầu Chính phủ sau khi cách mạng thành công, là chân lý rút ra từ quá trình đấu tranh kiên cường vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là một lời thề thiêng liêng của toàn thể nhân dân Việt Nam. Để giữ được lời thề thiêng liêng ấy, và để giành được độc lập tự do và thống nhất của Tổ quốc, nhân dân Việt Nam còn phải trải qua 30 năm chiến đấu chống giặc ngoại xâm, hết thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ, cho đến năm 1975 và sau đó là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh giá trị lớn lao của độc lập, tự do và cũng là nguồn động viên to lớn nhằm đưa cả dân tộc Việt Nam vượt qua những khó khăn, thử thách để giành thắng lợi trong mọi giai đoạn cách mạng. 
 
 
Tin tức






Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 readyChung nhan Tin Nhiem Mang