Chủ tịch Hồ Chí Minh tấm gương về tự đọc, tự học và “học suốt đời”
Lượt xem: 34
NGUYỄN VĂN CÔNG
Nguyên Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Tóm tắt: Chủ tịnh Hồ Chí Minh là người khai sinh nền quốc học nhân dân. Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, Người từng là thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh (Phan Thiết), thầy giáo Nguyễn Ái Quốc ở lớp Huấn luyện chính trị Quảng Châu, ông Sáu Sán (Thu Sơn) giảng dạy các lớp huấn luyện Việt Minh đầu tiên ở Pắc Bó (Cao Bằng). Trước khi đi xa về với thế giới người hiền, Người vẫn đau đáu lời căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Cuộc đời của Người là một tấm gương sáng ngời về ý chí học tập, vươn lên không mệt mỏi, để lại những bài học và kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ noi theo.

Từ khóa: Hồ Chí Minh, tấm gương sáng về học tập

anh tin bai
Chủ tịch Hồ Chí Minh-lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đồng thời là nhà giáo, nhà văn hoá lớn, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) từng khẳng định: “những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”. Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao việc học tập để nâng cao trình độ. Nói chuyện với các đảng viên hoạt động lâu năm, ngày 9-12-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ, tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Đây là một trong những yếu tố giúp Người trở thành một trong những lãnh tụ vĩ đại trong lịch sử Việt Nam và thế giới. Trong bài nói chuyện tại hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam, ngày 1-9-1961, Người cho biết: “Về văn hoá tôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông: 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe radio lần đầu”. Tuy vậy, nhà báo Pháp Lêô Phighe nhận xét về Người: “Người ta thấy ở đồng chí một vốn sống dồi dào, một sự hiểu biết rộng lớn, với trình độ văn hoá của một người mà không ai quên rằng người đó đã là một nhà báo, một nhà văn và một nhà thơ trong số những nhà báo, nhà văn, và nhà thơ ưu tú nhất ở Việt Nam”. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh có một trí tuệ phi thường, một sự hiểu biết sâu rộng đáng khâm phục. Bên cạnh việc kế thừa truyền thống hiếu học, yêu nước cách mạng của gia đình, quê hương xứ Nghệ để đạt được tầm hiểu biết ấy là do Người không ngừng học tập và tự học. Người đã nêu tấm gương sáng cho mọi người Việt Nam về tư tưởng “học tập suốt đời”. Bằng việc tự học, tự học suốt đời, học ở nhà trường, học sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân,... mà Người đã được tổ chức UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hoá kiệt xuất của Việt Nam.
Nguyễn Sinh Cung, tên khi còn nhỏ là người ham hiểu biết, thích nghe chuyện và hay hỏi những điều mới lạ, từ các hiện tượng thiên nhiên đến những chuyện cổ tích mà bà ngoại và mẹ thường kể. Những năm đầu, Nguyễn Sinh Cung sống cùng gia đình tại Huế, “có lần vua Thành Thái ngự du xuân. Cậu Cung nấp mình sau gốc cây, nhằm nhìn trộm vua. Nhà vua chít khăn vàng ngồi chễm chệ trên kiệu, trông như pho tượng. Dân chúng đi đường phải phủ phục xuống lạy vua liên hồi. Tối về cậu Cung đến bên khung cửi, hỏi mẹ: Vua đau chân sao, phải khiêng, mẹ?...; Sao cha không chít khăn vàng như vua cho đẹp, mẹ?....; Ngoài đường, sao con lại thấy lính cũng chít khăn vàng dưới chân. Thế, họ không sợ vua hả, mẹ?... Mỗi lần ra phố, thấy có việc gì xảy ra, cậu Cung thường về hỏi mẹ tận tường ngọn nguồn. Bà mừng là các con sớm mở rộng tầm hiểu biết nhanh chóng và luôn có ý thức nhận biết mọi điều”. Trở lại quê nhà, với tên Nguyễn Tất Thành, được gửi đến học chữ Hán với các thầy giáo Hoàng Phan Quỳnh, Vương Thúc Quý và sau là thầy Trần Thân. Các thầy đều là những người yêu nước. Nguyễn Tất Thành được nghe nhiều chuyện qua các buổi bàn luận thời cuộc giữa các thầy với các sĩ phu yêu nước, dần dần hiểu được thời cuộc và sự day dứt của các bậc cha chú trước cảnh nước mất, nhà tan. Ngoài thời gian học tập, Nguyễn Tất Thành thường theo cha đến các vùng trong tỉnh như làng Đông Thái, quê hương của Phan Đình Phùng, thăm các di tích thành Lục Niên, miếu thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, v.v... được theo cha đi khắp nơi và gặp gỡ bạn bè trí thức của cha, các sĩ phu yêu nước, cậu Cung đã biết được nhiều chuyện chính sự. Vốn ham hiểu biết, Nguyễn Tất Thành thường tìm đọc những cuốn sách mà các bậc cha chú thường nhắc tới. Cuối tháng 5-1906, thân phụ vào kinh đô Huế nhậm chức. Nguyễn Tất Thành cùng anh trai đi theo cha và theo học Trường Tiểu học Pháp-Việt tỉnh Thừa Thiên, lớp dự bị và lớp sơ đẳng. Ngoài việc học ở nhà trường, Nguyễn Tất Thành còn nhờ người mượn sách ở Lầu tàng thư (nơi lưu trữ sách và các loại văn thư của triều Nguyễn) về đọc. Nguyễn Tất Thành ham đọc sách, biết tranh thủ thời gian nên kỳ nghỉ hè đã đọc được nhiều loại sách quý, chứa đựng nhiều kiến thức mới về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, trong đó có các tác phẩm của những nhà khai sáng Pháp như Môngtetxkiơ, Rutxô, Vônte...
Ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, trong khoảng thời gian 30 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh trải qua rất nhiều giai đoạn khó khăn, nguy hiểm, bị bắt bớ, tù đầy, bị kết án tử hình... Hoàn cảnh đặc biệt đó đòi hỏi Người phải vừa làm để kiếm sống, vừa không ngừng tự học để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng. Tự học ở Hồ Chí Minh là kiên trì, sáng tạo, chẳng hạn như cách Người học viết báo. Người tự rút kinh nghiệm trong việc học viết của mình như sau: “Viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mà tiến bộ, quyết tâm thì việc gì, khó mấy cũng làm được”. Tự học ở Người là sự kết hợp thực tế cuộc sống và cách mạng, lấy lao động làm cơ sở cho tự học. Không chỉ học ngoại ngữ, Người còn chủ động học nhiều kiến thức khác với nhiều hình thức mà không phải ai cũng làm được.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc đọc sách, báo không chỉ đơn thuần là để giải trí hay để giải quyết các công việc sự vụ, nâng cao các hiểu biết thông thường. Sách, báo là một trong nguồn quan trọng có thể đưa ra lời giải đáp cho những câu hỏi mà chúng ta chưa lý giải được, như đối với Người: tự do, bình đẳng, bác ái là gì? và cũng chính nhờ sách báo mà Người đã tìm ra con đường cách mạng cứu nước, cứu dân. Ngày 16 và 17-7-1920, lần đầu tiên ở Pháp, báo Nhân Đạo (L’Humanite), cơ quan của Đảng Xã hội Pháp công bố tác phẩm quan trọng của V.I.Lênin: “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”. Văn kiện lịch sử ấy của V.I.Lênin mở ra trước mắt Người một chân trời mới và là ngọn đèn soi đường giải phóng cho đồng bào của Người đang rên xiết dưới ách thực dân. 
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách, báo. Đọc sách, báo là một việc hết sức cần thiết, nhưng phương pháp đọc như thế nào cho hiệu quả vô cùng quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói người đọc luôn phải có suy nghĩ kỹ càng, không nhất thời hồ đồ tin ngay theo sách, báo. Người nhấn mạnh: “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ  kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn”. Với những sách, báo quan trọng, có những từ hoặc vấn đề không hiểu Người thường đọc đi đọc lại nhiều lần cho đến khi hiểu cặn kẽ mới thôi. Như tác phẩm “Tư bản luận” của C.Mác và “Luận cương” của V.I.Lênin, nhờ đọc sâu hiểu kỹ Người có thể đem những điều đã đọc và hiểu được áp dụng vào trong thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), khi nói về công tác huấn luyện cán bộ, Hồ Chí Minh có những chỉ dẫn xác đáng: “Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”. Sau này, khi nói về công tác huấn luyện và học tập (1950), Người lại nhấn mạnh: “Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học”. Những lời dạy ngắn gọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm nổi bật lên tính cần thiết của việc tự học và mối liên hệ khăng khít của các chủ thể tham gia vào quá trình tự học.
Để học tập phương pháp đọc sách, báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta có thể tìm hiểu tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc trong suốt 15 năm cuối đời (1954-1969). Mỗi ngày, Người đọc rất nhiều loại báo, Người thường đọc báo trước giờ và cuối giờ làm việc buổi sáng, buổi chiều còn buổi tối Người thường đọc sách. Vì vậy, phòng ngủ của Người bao giờ cũng có chiếc bàn nhỏ để Người đọc sách vào ban đêm. Các đồng chí văn phòng Người kể lại rằng, bất cứ khi nào có thời gian là Người đều tranh thủ đọc sách báo. Việc đọc sách, báo là yêu cầu của công tác cách mạng, đã trở thành nhu cầu, là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh có thói quen khi đọc chỗ nào có vấn đề cần chú ý thì ghi chép, đánh dấu để dễ nhận biết những số liệu và những thông tin cần xử lý; thấy gương người tốt, việc tốt Người dùng bút bi hoặc bút chì mầu đỏ ghi bên cạnh dấu ((), nghĩa là thưởng huy hiệu, chỗ nào cần lưu ý Người đánh dấu chéo (/); vấn đề nào chưa rõ, còn nghi ngờ, Người đánh dấu (?) và yêu cầu văn phòng xác minh lại. Đã xem xong Người vạch hai vạch (//)... các đồng chí phục vụ cứ nhìn vào các ký hiệu đó để hiểu và thực hiện theo ý của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng hay sử dụng các chữ Hán, Pháp, Anh, Nga làm ký hiệu bên lề trang báo, trang tài liệu. Người còn ghi vào sổ nhỏ, hoặc cho cắt dán bài cần giữ làm tư liệu. Người sử dụng nhiều thông tin từ các báo nước ngoài để viết bài. Đọc báo thấy có những chữ báo viết sai Người dặn đánh dấu và góp ý để báo sửa. Ví dụ, tên riêng Y Lan phải viết là Ỷ Lan mới đúng; Lý Tử Trọng phải viết là Lý Tự Trọng. Có những bài viết để lộ bí mật như bài đăng trong tạp chí Hậu cần, Người ghi chữ “Mật” và nhắc văn phòng gửi cho tạp chí để lưu ý, hay như bài “Rừng cây xanh trên trận địa” đăng trên báo Quân đội nhân dân, ngày 18-2-1969, viết sơ suất để lộ một đơn vị bộ đội, Người ghi dòng chữ Hán là: “Lộ bí mật quân sự” để nhắc các báo chú ý cách đưa tin. Hoặc Người thường cắt dán cả bài để khi cần nghiên cứu sử dụng, tuyên truyền, phổ biến cho mọi người học tập và làm theo như gương “người tốt, việc tốt”, cách làm hay, hiệu quả trong học tập, lao động sản xuất (Trong số các sách báo tại Di tích Nhà 54; Nhà sàn; Nhà 67 v.v.. trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch hiện vẫn còn lưu lại những bài báo cắt dán như vậy của Người). 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc sách, báo không chỉ cho riêng bản thân mình mà Người luôn quan tâm đến đối tượng thích hợp liên quan đến các bài viết hoặc thông tin được đăng trong sách, báo. Thấy thông tin đó cần thiết cho những địa phương nào, ngành nào, Người thường cho cán bộ Văn phòng chuyển những cuốn sách Người đã đọc cùng với những nhận xét đánh giá của Người để nghiên cứu thực hiện.
Với mục đích xây dựng xã hội cộng sản mà ở đó “ai cũng no ấm, sung sướng, tự do; ai cũng thông thái và có đạo đức”, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ kêu gọi mọi người học tập, mà còn kêu gọi mọi người, cả cán bộ và nhân dân đều phải “học tập suốt đời”. Để đánh thắng kẻ thù xâm lược, chúng ta cần phải học, giờ đây để xây dựng CNXH, xây dựng một cuộc sống nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân lao động, chúng ta càng cần phải học. Nhân dân học để nâng cao trình độ học vấn, để nắm bắt được khoa học và kỹ thuật, để ý thức được đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của một người làm chủ nước nhà. Còn cán bộ, đảng viên thì học, học để có học thức, để thấm nhuần lý luận Mác-Lênin, để nắm được tinh thần của phép biện chứng duy vật trong cách xử thế và điều hành công việc, để lòng mình luôn hướng đến “Chí công vô tư”. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc chống giặc dốt không kém phần quan trọng so với việc chống giặc đói và giặc ngoại xâm. Người nhấn mạnh “Học hành là vô cùng, học càng nhiều, biết càng nhiều càng tốt”. Đến dự khai mạc lớp nghiên cứu chính trị ở Trường Đại học Nhân dân, ngày 21-7-1956, Người nói: “Chúng ta phải học và hoạt động suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”. Đối với cán bộ, Người viết:
“Học để làm việc,
Làm người,
Làm cán bộ.
Học để phụng sự Đoàn thể,
     “       “       giai cấp và nhân dân
     “       “       Tổ quốc và nhân loại”.
Ngày 7-9-1957, trong bài diễn văn khai mạc lớp học lý luận Trường Nguyễn Ái Quốc, Người căn dặn các học viên: “Phải tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được”. Trong những tháng năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gian khổ, Người vẫn luôn nhắc nhở mọi người không được sao lãng việc học. Cho đến lúc sắp đi xa, trong Di chúc để lại cho chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nhắc nhở nguyện vọng cuối cùng của Người là: “... dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành...”.
Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, có biết bao nhiêu điều muốn nói, muốn biết về Người. Cuộc đời và di sản của Người để lại là một nguồn bất tận cần khai thác trong sự nghiệp chung của dân tộc và trong công việc của mỗi con người chúng ta. Tấm gương học hỏi suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng những chỉ dẫn của Người về giáo dục sẽ nâng truyền thống giáo dục văn hiến của đất nước ta lên một tầm cao mới.

Tin tức






Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 readyChung nhan Tin Nhiem Mang