Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đấu tranh chống “căn bệnh” cục bộ địa phương trong cán bộ, đảng viên
Từ khóa: Hồ Chí Minh, cục bộ địa phương, cán bộ, đảng viên

1. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về các biểu hiện của căn bệnh cục bộ địa phương và tác hại của nó
Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo cách mạng nước ta giành được nhiều thắng lợi to lớn. Cùng với những thắng lợi to lớn đó, công tác xây dựng Đảng cũng cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, trong công tác xây dựng Đảng vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm, trong đó có một số cán bộ, đảng viên mang tư tưởng cục bộ địa phương. Vì vậy, trên cương vị lãnh tụ của Đảng và người đứng đầu Chính phủ, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng Cộng sản Đông Dương (Đảng Cộng sản Việt Nam) trở thành đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân tiến hành kháng chiến kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy và chỉ ra những biểu hiện của “căn bệnh” cục bộ địa phương trong cán bộ, đảng viên ảnh hưởng đến sự đoàn kết trong Đảng, khối đoàn kết toàn dân tộc và chỉ ra những cách thức để đấu tranh loại bỏ căn bệnh đó.
Biểu hiện thứ nhất, theo Hồ Chí Minh tư tưởng cục bộ địa phương ở một số cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý là đặt lợi ích của địa phương, đơn vị và cá nhân lên trên; không quan tâm đến lợi ích chung của Đảng, của đất nước, của ngành; tuyệt đối hóa lợi ích của địa phương đơn vị mình trong các hoạt động kinh tế - xã hội; gây ra nhiều tác hại to lớn ảnh hưởng đến sự lãnh đạo thống nhất, đoàn kết trong Đảng; sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong “Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ” (1947) Người: viết: “Chỉ chăm chú lợi ích của địa phương mình mà không nhìn đến lợi ích của toàn bộ. Làm việc ở bộ phận nào chỉ biết bênh vực vun đắp cho bộ phận ấy. Do khuyết điểm đó mà sinh ra những việc, xem qua thì như không quan hệ gì mấy, kỳ thực rất có hại đến kế hoạch chung”.
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (10-1947), Người chỉ rõ những biểu hiện của căn bệnh cục bộ địa phương cần phải loại bỏ: “Có những cán bộ chỉ thấy lợi ích bộ phận của mình, không thấy lợi ích của toàn thể, muốn đem lợi ích của toàn thể phục tùng lợi ích của bộ phận mình”. Hay như “không muốn cấp trên điều động cán bộ, hoặc khi điều động thì chỉ đùn những cán bộ kém ra. Có vật liệu gì dù mình có thừa, hoặc không cần đến, cũng thu giấu đi, không cho cấp trên biết, không muốn chia sẻ cho nơi khác. Bệnh địa phương đó, phải tẩy cho sạch”.
Biểu hiện thứ hai, theo Hồ Chí Minh tư tưởng cục bộ địa phương trong cán bộ, đảng viên dẫn đến tình trạng kéo bè, kéo cánh, gây mất đoàn kết nội bộ. Vì mục đích cục bộ, cá nhân sử dụng những người cùng họ, cùng quê tạo thành ê kíp bất chấp năng lực và phẩm chất đạo đức, làm cho những người có trình độ năng lực và phẩm chất đạo đức tốt không được sử dụng, kìm hãm sự phát triển của địa phương, đơn vị, cả tập thể vi phạm pháp luật. Từ đó gây ra sự mất đoàn kết trong Đảng, làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên dẫn đến vai trò lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ bị suy yếu. Trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” đăng trên Báo Cứu quốc, số 69, ngày 17-10-1945, Người viết: “Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai”.
Biểu hiện thứ ba, theo Hồ Chí Minh chủ nghĩa cục bộ địa phương sinh ra tư tưởng thành kiến, đố kỵ nhau, kèn cựa nhau, không đoàn kết, chỉ lo đấu đá, tranh giành quyền lợi. Trong một nước thì tình hình cục bộ tỉnh nọ với tỉnh kia; trong một tỉnh thì cục bộ huyện nọ với huyện kia; trong một huyện thì cục bộ xã nọ với xã kia; trong một xã thì cục bộ mang tính dòng họ. Điều đó dễ dẫn đến hành vi trái nguyên tắc, vi phạm dân chủ, thậm chí dẫn đến tình trạng vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Giữa hai địa phương sáp nhập với nhau thì xảy ra tình trạng kèn cựa đấu tranh giữa các địa phương cũ với nhau. Những tư tưởng cục bộ này trong cán bộ, đảng viên đã làm cho tê liệt công tác cán bộ, mất đoàn kết, xảy ra tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược trong Đảng, Người nhấn mạnh: “Ngày nay, hai tỉnh mới nhập thành một. Đảng viên và cán bộ hai tỉnh cũ phải tuyệt đối tránh địa phương chủ nghĩa. Không nên nghĩ rằng tỉnh này bị nhập vào tỉnh kia. Sự thật là hai tỉnh sáp nhập với nhau thành một tỉnh lớn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là một sự mở rộng tốt đẹp. Sáp nhập tổ chức là về hình thức. Cần phải nhất trí về tư tưởng, về hành động, về tình cảm”. Những biểu hiện của căn bệnh này gây ra sự mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ… Người viết: “Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí. Nó gây ra những mối nghi ngờ”.
Biểu hiện thứ tư, một biểu hiện của căn bệnh cục bộ địa phương mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến là tình trạng các địa phương tự ý hành động không xin ý kiến, chỉ thị, không báo cáo cấp trên. Theo Người đó là căn bệnh địa phương chủ nghĩa, vô chính phủ, vô kỷ luật. Từ đó dẫn đến những sai lầm, ảnh hưởng đến lợi ích toàn cục của Đảng, của dân tộc, Người viết: “Trước khi làm, không xin chỉ thị. Khi làm rồi, không gửi báo cáo. Nhiều địa phương mắc phải cái bệnh ấy. Họ không hiểu rằng: thế là:
- Vô kỷ luật, vô chính phủ, địa phương chủ nghĩa,
- Trái nguyên tắc “tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí”.
Vì bệnh ấy, mà có nơi đã vấp phải thất bại chua cay!
Vì sao phải xin chỉ thị Trung ương?
Địa phương thường chỉ thấy tình hình ở nơi mình, không rõ tình hình các nơi khác, chỉ thấy một bộ phận, không thấy được bao quát.
Trung ương thấy rõ tình hình toàn quốc, toàn diện; thấy rõ hiện tại và đoán biết tương lai; thấy rõ lợi hại chung cả nước.
Vì vậy, địa phương không xin chỉ thị, thì không biết rằng một việc có thể lợi cho nơi mình mà hại cho nơi khác, lợi ở trước mắt, mà hại đến lâu dài về sau”.
2. Chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về đấu tranh loại bỏ căn bệnh địa phương chủ nghĩa trong cán bộ, đảng viên
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng cần phải nghiêm túc xem xét, chấn chỉnh và loại trừ căn bệnh cục bộ địa phương. Người nhấn mạnh “Bệnh địa phương đó, phải tẩy cho sạch”. Để chữa trị căn bệnh này, Người nêu ra các giải pháp thích hợp:
Một là, Hồ Chí Minh cho rằng muốn khắc phục tư tưởng cục bộ địa phương trong cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, Người viết:
“Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, cần phải có tính đảng mới làm được việc. Kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên”.
Người đặt ra câu hỏi tính đảng là gì? và khẳng định trước hết tính Đảng “phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết”.
Hai là, Hồ Chí Minh cho rằng muốn chống căn bệnh địa phương chủ nghĩa, Đảng cần phải làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết Đảng của các địa phương. Nếu cán bộ, đảng viên ở các địa phương vi phạm khuyết điểm cục bộ địa phương thì cần phải sửa chữa, khắc phục; nếu tiếp tục cố tình vi phạm thì cần phải xử lý thật nghiêm khắc. Người viết: “Phải nghiêm ngặt kiểm tra, các địa phương phải kiên quyết thực hành những nghị quyết của Đảng. Kiên quyết chống lại cái thói nghị quyết một đường, thi hành một nẻo”.
Ba là, cần phải tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ, tuân thủ sự lãnh đạo thống nhất và tuyệt đối của Đảng, Hồ Chí Minh viết: “Xin chỉ thị trước khi làm, gửi báo cáo khi làm xong - là một điều rất cần thiết, để làm cho chính sách của Chính phủ và Đoàn thể thấu suốt từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, để tránh bệnh “bán thân bất toại” trong công việc, để tránh thất bại và để lượm được nhiều thành công. Vì vậy, từ nay các khu, các tỉnh phải đặt nó là một trong những nhiệm vụ chính của mình.
Khi có vấn đề đặc biệt quan trọng, hoặc quan hệ đến toàn tỉnh thì phải hỏi chỉ thị của tỉnh uỷ, quan hệ đến toàn khu thì phải hỏi chỉ thị của khu uỷ, gặp vấn đề có quan hệ đến toàn quốc, thì nhất định phải xin chỉ thị của Trung ương”.
Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về căn bệnh địa phương chủ nghĩa có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất quý báu trong công tác Xây dựng Đảng, cũng như công tác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
3. Sự vận dụng của Đảng
Sớm nhận thức tư tưởng cục bộ địa phương ở cán bộ, đảng viên là trở ngại cho quá trình đổi mới, thực hiện CNH, HĐH đất nuớc. Ngay trong văn kiện Đại hội VI (1986) – Đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới, Đảng đã nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ “Phải từ lợi ích chung của cách mạng, từ chính sách cán bộ thống nhất của Đảng mà lựa chọn cán bộ một cách công minh. Mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, đầu óc địa vị, tư lợi, chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa cục bộ… đều gây ra những hậu quả xấu đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và sự đoàn kết trong Đảng”. Từ đó, Đảng khẳng định để khắc phục tư tưởng cục bộ địa phương trong công tác cán bộ thì phải. “Khắc phục tình trạng bố trí cán bộ theo kiểu khép kín trong từng địa phương, từng ngành, không tiếp nhận cán bộ từ nơi khác”.
Mặc dù, trong quá trình lãnh đạo công tác cán bộ, Đảng đã đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp khắc phục tư tưởng cực bộ địa phương của cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, căn bệnh cục bộ địa phương vẫn đang tồn tại và biến hoá rất tinh vi trong các qui trình công tác cán bộ. Tư tưởng “một người làm quan, cả họ được nhờ”, “địa phương chủ nghĩa”, “lợi ích nhóm”, “cấp uỷ dòng tộc”, “chi bộ dòng họ”… vẫn biểu hiện rõ nét ở nhiều địa phương, cơ quan đơn vị. Điều này tất yếu dẫn đến nguy hại cho công tác xây dựng Đảng, công tác phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Nhận thức được nguy cơ của chủ nghĩa cục bộ địa phương như chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, HNTƯ 4 khoá XII của Đảng (Nghị quyết số 04 – NQ/TW ngày 30-10-2016) đã chỉ rõ cục bộ, bè phái trong công tác cán bộ rất nguy hiểm, là một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Nghị quyết chỉ ra 9 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống, trong đó cục bộ địa phương xếp trong biểu hiện thứ 2: “Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ; bè phái …”
Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục coi tư tưởng cục bộ bè phái là hạn chế trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần phải khắc phục: “Công tác xây dựng Đảng về đạo đức vẫn còn có những hạn chế… cá nhân, chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ”.
Để khắc phục tư tưởng cục bộ địa phương trong cán bộ, đảng viên hiện nay, Đảng chỉ rõ cần làm tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đạo đức cách mạng trong sáng, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân.
Hai là, đổi mới công tác cán bộ bao gồm tất cả các khâu, đặc biệt cần thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ, kiên quyết thực hiện cán bộ chủ chốt quan trọng không phải là người địa phương.
Trong đổi mới công tác cán bộ, chú trọng thực hiện nghiêm túc qui chế dân chủ, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, đảng viên và nhân dân, trong công tác cán bộ.
Ba là, hoàn thiện thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát, quyền lực trong công tác cán bộ.
Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về căn bệnh cục bộ địa phương đến nay vẫn mang tính thời sự, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc trong công tác Xây dựng Đảng hiện nay. Đảng, tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần thực hiện những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.