Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập - Tính tất yếu và sự sáng tạo của Hồ Chí Minh
Lượt xem: 9
PGS, TS TRẦN TRỌNG THƠ
Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Tóm tắt: Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu khách quan, bắt nguồn từ thực tiễn cuộc đấu tranh của nhân dân chống sự nô dịch đế quốc, được soi rọi dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin, nằm trong quy luật vận động của cách mạng thế giới, vừa phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội và văn hóa Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu khách quan, thiết yếu và cấp bách của dân tộc là độc lập, tự do và phát triển. Đảng thành lập là kết quả kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố Hồ Chí Minh, người thực hiện sứ mệnh lịch sử sáng lập chính đảng vô sản ở Việt Nam với những sáng tạo lý luận xuất sắc.

Từ khóa: Hồ Chí Minh; sáng tạo; Đảng Cộng sản Việt Nam.
anh tin bai
1. Trong quá trình hình thành quốc gia-dân tộc Việt Nam, các thế hệ người Việt Nam thường xuyên và đồng thời thực hiện hai sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Chính trong quá trình tạo lập và phát triển giang sơn, gấm vóc, người Việt Nam đã hình thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và tinh thần cố kết cộng đồng. Quá trình hòa hợp và thích ứng với thiên nhiên, chống thiên tai, địch họa đã hình thành truyền thống đoàn kết, chuộng công bằng và lẽ phải của dân tộc Việt Nam. Chính điều kiện sống và bản sắc văn hóa đó đã làm cho sự phân chia giai cấp trong xã hội không thật sự triệt để; chi phối mối quan hệ giai cấp, làm giảm thiểu và chế ngự các mâu thuẫn nảy sinh trong xã hội. Mỗi khi đất nước lâm nguy thì người Việt Nam, bất kể là thuộc tầng lớp nào, dù là quý tộc hay bình dân, đều có thể thành hạt nhân khởi xướng các phong trào yêu nước, đều dốc sức chống xâm lăng, khôi phục nền độc lập. Dân tộc Việt Nam có truyền thống hòa hiếu, giao hảo với các nước lân bang. Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam là một động lực lớn, mang nhiều yếu tố tích cực, xa lạ với chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, rất gần gũi với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Những đặc điểm kinh tế, xã hội, những tinh hoa văn hóa, những khát vọng của dân tộc Việt Nam rất phù hợp và tương đồng với những giá trị cao đẹp của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Từ cuối thế kỷ XIX, do sự bất lực của triều Nguyễn, Việt Nam từ một quốc gia độc lập, thống nhất, có chủ quyền bị thực dân Pháp xâm lược và biến thành thuộc địa. Chế độ cai trị “độc tài và chuyên chế... vô cùng khả ố và khủng khiếp”, sự bóc lột vô nhân đạo của thực dân Pháp đã làm xã hội Việt Nam biến đổi toàn diện, mạnh mẽ, song, lại thiếu triệt để và theo chiều hướng lệ thuộc, ngày càng tù túng, lạc hậu với sự tha hóa và bần cùng hóa của đại đa số dân cư. Với truyền thống yêu nước và tinh thần quật cường dân tộc, ngay khi đất nước đối đầu với họa ngoại xâm, khi triều Nguyễn ngày càng lún sâu vào vũng bùn đầu hàng, từ bỏ chủ quyền quốc gia cho thực dân Pháp, nhiều phong trào kháng chiến đã diễn ra, nhiều xu hướng cải cách đã xuất hiện với mục tiêu chung là bảo vệ, khôi phục nền độc lập dân dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất quốc gia, chấn hưng đất nước. Trong suốt hơn 70 năm ròng rã (từ năm 1858 đến năm 1930) ở Việt Nam đã thể nghiệm nhiều học thuyết về con đường giải phóng dân tộc. Các phong trào đấu tranh hoặc theo ý thức hệ phong kiến diễn ra khắp từ Bắc chí Nam, hoặc theo đường lối cải cách, canh tân đưa đất nước phát triển thành một quốc gia phú cường của các trí thức, hay theo ý thức hệ dân chủ tư sản của nhiều sĩ phu yêu nước, của giai cấp tư sản dân tộc, cùng với đó là các phương pháp, hình thức đấu tranh như kháng chiến, khởi nghĩa, bạo động, bất bạo động... đều lần lượt bị thất bại.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của các phong trào yêu nước, song, nguyên nhân chính là thiếu lực lượng lãnh đạo có hệ tư tưởng cách mạng-khoa học dẫn đường, có lý luận và đường lối cách mạng đúng đắn và sáng tạo giải quyết đúng đắn mối quan hệ độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội, chủ quyền quốc gia và lợi ích của nhân dân, có sức quy tụ lực lượng toàn dân tộc và phương pháp tiến hành đạt hiệu quả. Sự thất bại của các phong trào yêu nước thể hiện của sự khủng hoảng, bế tắc của các phương lược cứu nước truyền thống Việt Nam trước sự chuyển biến của thời cuộc, song, không vô ích, mà là động lực, thôi thúc ý chí tự lực vươn lên, sức thông minh, sáng tạo của người Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng, đồng thời, đặt ra yêu cầu rất cấp bách phải có ánh sáng mới soi đường và ngọn cờ mới dẫn dắt.
Trong lúc các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc theo các ý thức hệ phong kiến, tư sản bế tắc, thì phong trào công nhân xuất hiện. Do tác động của các cuộc khai thác thuộc địa, bộ phận công nhân Việt Nam hình thành và dần trở thành một giai cấp trong xã hội. Công nhân Việt Nam hầu hết xuất thân từ nông dân nghèo, bị tước đoạt tài sản, có liên hệ chặt chẽ với giai cấp nông dân, vừa mang thân phận người dân mất nước vừa chịu thân phận làm thuê, bị bóc lột của chính quyền thuộc địa, của tư sản Pháp. Với đặc điểm tập trung, giàu tinh thần đấu tranh chống áp bức, ước ao tự giải phóng giai cấp và toàn dân tộc, giai cấp công nhân Việt Nam đã đứng lên đấu tranh, sớm hòa nhập và gắn quyện với các phong trào dân tộc.
Sự thống nhất của ý thức đấu tranh giai cấp với chủ nghĩa yêu nước trong phong trào công nhân, sự thống nhất của phong trào công nhân với phong trào yêu nước trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp là một đặc điểm, một giá trị nổi bật, là nền tảng xã hội cho cho phong trào dân tộc theo khuynh hướng vô sản hình thành khi con đường cứu nước, phát triển dân tộc-Con đường cách mạng Hồ Chí Minh, được phổ biến và dẫn đến việc ra đời của chính đảng vô sản ở Việt Nam như một tất yếu lịch sử.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước, tiếp xúc với các văn thân, sĩ phu yêu nước và phong trào đấu tranh chống chế độ thực dân, cảm nhận những tư tưởng tiến bộ của nhân loại về “tự do, bình đẳng, bác ái” được truyền đến Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sớm hình thành ý chí cứu nước, suy ngẫm về con đường cứu nước, cứu đồng bào. Với trí tuệ mẫn tiệp, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhận thấy những bất cập và bế tắc của con đường cứu nước mà thế hệ cha anh đang tiến hành, nhận thấy sự bức bách phải tìm kiếm con đường cách mạng có thể giúp dân tộc Việt Nam giành độc lập và chính Người đã tự đảm đương trách nhiệm cao cả đó.
Qua gần 10 năm quan sát, khảo nghiệm, phân tích thực tế xã hội, chế độ chính trị của nhiều quốc gia lớn, nhỏ, giàu, nghèo ở hầu khắp các châu lục, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh cũng là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu và tổng kết, tìm ra bản chất của các học thuyết và các cuộc cách mạng trên thế giới, chắt lọc, vận dụng và phát triển cho phù hợp với yêu cầu của dân tộc mình. Hành trình từ Việt Nam hướng ra thế giới, hòa mình trong các trung tâm văn hóa, trí tuệ, cách mạng của nhân loại, rồi từ thế giới hướng về Việt Nam cũng là quá trình Hồ Chí Minh “kế thừa và nâng tầm những giá trị truyền thống dân tộc, tiếp thu có chọn lọc, vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận cách mạng thế giới mà cốt lõi là chủ nghĩa Mác-Lênin (TG nhấn mạnh) xây dựng đường lối cứu nước, đưa học thuyết cách mạng và phong trào công nhân và phong trào yêu nước, chuẩn bị chu đáo, toàn diện về chính trị, tư tưởng và tổ chức để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Sự phát triển sáng tạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh hàm chứa những tư tưởng hết sức độc đáo trong việc định hướng, định hình về một chính Đảng vô sản gắn kết với dân tộc và vận mệnh dân tộc. Sự phát triển sáng tạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh xuất phát từ quan điểm thực tiễn và biện chứng của một thế giới rộng lớn, rất đa dạng và luôn vận động, do đó “cẩm nang” chủ nghĩa Mác-Lênin cung cấp những nguyên lý chung về quy luật và chiều hướng phát triển của xã hội loài người, về bản chất của thời đại, về sứ mệnh của giai cấp công nhân,... song, cần phải được làm phong phú, bổ sung và phát triển từ thực tiễn cuộc sống và đặc điểm chính trị, lịch sử, văn hóa và xã hội khắp năm châu, chứ không đơn thuần chỉ từ thực tiễn châu Âu.
 
2. Những sáng tạo của Hồ Chí Minh được thể hiện trên các nội dung:
Nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho sự ra đời của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin và trong thực tế, còn bao hàm cả tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị và xác định đường lối, lãnh tụ Hồ Chí Minh không chỉ vận dụng mà đã phát triển sáng tạo và chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, trước hết là lý luận về mô hình và con đường phát triển của cuộc cách mạng vô sản ở Việt Nam. Dày công nghiên cứu những luận điểm của C.Mác về cách mạng vô sản, về việc nổ ra cách mạng vô sản trước hết và giành thắng lợi ở một loạt các nước tư bản phát triển nhất ở châu Âu; lĩnh hội những quan điểm của V.I.Lênin về cuộc cách mạng vô sản có khả năng thắng lợi trước hết trong một số ít các nước tư bản, thậm chí chỉ trong một nước TBCN, là cuộc đấu tranh không chỉ của giai cấp công nhân mà còn bao hàm tất cả các thuộc địa, các nước phụ thuộc chống lại CNĐQ quốc tế, lãnh tụ Hồ Chí Minh đi đến một luận điểm mấu chốt: đặt cách mạng Việt Nam trong phạm trù cách mạng vô sản, sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản phải gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Theo đó, lộ trình con đường phát triển của cuộc cách mạng vô sản ở một thuộc địa như Việt Nam là giành độc lập dân tộc, tiến hành cách mạng ruộng đất và thực hiện các quyền tự do cho nhân dân về chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, phát triển nền kinh tế, bỏ qua giai đoạn phát triển CNTB với tư cách là một chế độ, đưa đất nước tiến tới CNCS. Chánh cương vắn tắt của Đảng do lãnh tụ Hồ Chí Minh soạn thảo, được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng, xác định rõ con đường giải phóng và phát triển của dân tộc Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cm và thổ địa c.m để đi tới xã hội cộng sản”. Nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng, tức cách mạng dân tộc, dân chủ, trong đó, giành độc lập dân tộc được đặt ở vị trí trên hết, trước hết. Nội hàm của cuộc cách mạng vô sản được mở rộng về nhiệm vụ, bổ sung thêm nội dung giải phóng các dân tộc bị áp bức, xóa bỏ hệ thống thuộc địa; có thể khởi phát ngay ở một thuộc địa lạc hậu. Nói một cách khác, giải phóng, giành lại độc lập dân tộc là bước đi đầu tiên của cuộc cách mạng vô sản ở thuộc địa như Việt Nam. Đây là một luận điểm cơ bản, chính yếu được khắc ghi trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, một đóng góp đặc sắc, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trên phương diện lý luận về các mô hình vận động, phát triển của cuộc cách mạng vô sản. Sau này, tại Đại hội II (1951) của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Chủ nghĩa Mác là gì? Là cộng sản. Mà cộng sản thì ai lãnh đạo? Giai cấp công nhân. Chủ nghĩa Mác nói như thế, cũng ví như nói “đói thì ăn cho no”, nhưng không nói “ở Việt Nam ăn bánh mì”, cũng không nói “ở châu Âu ăn cơm”. Chủ nghĩa Mác bảo ăn sao cho no, nhưng không bảo ai cũng ăn như nhau, mà bảo trẻ con ăn sữa, người lớn ăn rau, nếu mà có thịt thì ăn bít tết nữa. Chủ nghĩa Mác nói thế giới sẽ hoá ra cộng sản. Nhưng chủ nghĩa Mác không nói chỗ nào cũng lập xô viết, cũng lập chính quyền vô sản, vì thế, lúc áp dụng phải cho khéo”.
Về vấn đề động lực của cách mạng, phát triển luận điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Hồ Chí Minh xác định: cách mạng là sự nghiệp của toàn dân tộc, chỉ trừ những phần tử phản bội Tổ quốc, làm tay sai cho đế quốc. Luận điểm trên là một dòng mạch xuyên suốt từ tác phẩm Đường Kách mệnh (1927) và đậm nét trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên (1930), được thực hành nhất quán trong toàn bộ tiến trình hoạt động lãnh đạo cách mạng của Đảng. C.Mác trong trong luận điểm của mình coi lực lượng cách mạng là giai cấp công nhân thế giới, đề xuất khẩu hiệu “giai cấp vô sản toàn thế giới liên hiệp lại”. Đến V.I.Lênin, lực lượng của cuộc cách mạng vô sản được mở rộng hơn, để chiến thắng hoàn toàn CNTB, cần phải có “sự liên minh và sự thống nhất của giai cấp vô sản, rồi sau nữa, của toàn thể quần chúng cần lao thuộc tất cả các nước và các dân tộc trên toàn thế giới”. Tuy vậy, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin chủ yếu nặng về liên minh, đoàn kết giai cấp cần lao, hầu như không đề cập đến vấn đề động lực dân tộc, đến đại đoàn kết toàn dân tộc, đến mặt trận dân tộc thống nhất, đến hòa hợp dân tộc-một vấn đề quan trọng trong sự ra đời, tồn tại và phát triển của tất cả các quốc gia-dân tộc trên thế giới. Sau V.I.Lênin, Quốc tế Cộng sản tại Đại hội lần thứ VI (1928) xác định rằng, lực lượng cách mạng ở các thuộc địa chỉ thuần túy công nông binh.
Trên cơ sở thấu hiểu sâu sắc giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam, khi lòng yêu nước và tinh thần cố kết cộng đồng luôn đặt ở nấc thang giá trị cao nhất, từ sự phân tích tinh thần và thái độ của các giai cấp tầng lớp trong xã hội, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã giải quyết sáng tạo vấn đề lực lượng dân tộc, vừa bảo đảm tính nền tảng vừa chú trọng tính trụ cột. Theo đó, lực lượng và động lực cách mạng là khối đại đoàn kết dân tộc bao gồm các giai cấp và tầng lớp nhân dân yêu nước kể cả trung, tiểu địa chủ, phú nông, tư sản, các tổ chức yêu nước, cách mạng, do liên minh giai cấp công nhân và giai cấp nông dân làm nền tảng đặt dưới sự lãnh đạo của chính đảng vô sản. Trong các bài giảng tại lớp huấn luyện lý luận cách mạng cho các chiến sĩ cộng sản đầu tiên tại Quảng Châu, Hồ Chí Minh đã chú trọng quán triệt đến các học viên về sức mạnh vô địch của quần chúng giác ngộ lý tưởng cách mạng, đứng lên đấu tranh giành tự do, độc lập: “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại” song, muốn biến niềm tin ấy thành hiện thực người lãnh đạo phải: làm cho dân giác ngộ, phải giảng giải lý luận cách mạng cho dân hiểu, phải bày sách lược cho dân, và Đảng cách mạng phải biết tập hợp sức mạnh của dân. Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Hồ Chí Minh về mặt lý luận là một chiến lược xuyên suốt, một bộ phận cấu thành chủ yếu trong được lối của Đảng ngay khi thành lập; về mặt thực tế đã gạt bỏ tư tưởng “tả” khuynh, xây dựng và phát triển Mặt trận dân tộc thống nhất và khơi dậy, phát huy mọi nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam trong tiến trình thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng của dân tộc mình và đóng góp tích cực vào sự phát triển của phong trào cách mạng thế giới.
Gắn liền với sự sáng tạo lý luận về mô hình vận động và con đường phát triển, về đại đoàn kết toàn lực lượng toàn dân tộc là những phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin của lãnh tụ Hồ Chí Minh về xử lý mối quan hệ dân tộc-giai cấp, đấu tranh giai cấp và liên minh giai cấp, quốc gia-quốc tế, vừa chứa đựng những nét phổ biến của cách mạng thuộc địa, vừa in đậm những đặc điểm Việt Nam trong quá trình chuẩn bị về đường lối chính trị của Đảng. Những nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin nhìn chung xác lập mối quan hệ giai cấp-dân tộc trong mối quan hệ trước-sau, chi phối-hệ quả, trong đó, đấu tranh giải phóng giai cấp là tiền đề, là điều kiện của đấu tranh giải phóng dân tộc. C.Mác đưa ra những luận điểm: xóa bỏ nạn người bóc lột người thì nạn dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng bị xóa bỏ. Trên cơ sở phân tích đặc điểm xã hội Việt Nam trong hoàn cảnh thuộc địa khi mà mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp là mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu, Hồ Chí Minh sớm xác định: Việt Nam trước hết phải làm “dân tộc cách mệnh”, tức là trước hết phải đánh đổ sự cai trị, nô dịch dân tộc của chủ nghĩa đế quốc, giành lại quyền bình đẳng, độc lập, tự do cho dân nước mình: “dân tộc cách mệnh thì chưa phân giai cấp, nghĩa là sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền”. Có thể thấy, giải phóng dân tộc phải tiến hành trước tiên, tạo tiền đề để giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội là luận điểm của Hồ Chí Minh trong việc thực hiện 3 cuộc giải phóng của cách mạng vô sản ở một thuộc địa như Việt Nam. Tinh thần này được thể hiện trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.
Lĩnh hội và chắt lọc những luận điểm của Lênin và của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế về mối quan hệ giữa cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản thế giới và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thuộc địa, trong đó, sự giúp đỡ của cách mạng vô sản ở các nước tư bản phát triển là điều kiện thắng lợi của cách mạng ở thuộc địa, từ sự phân tích đặc tính của chủ nghĩa thực dân “như con đỉa hai vòi”, Hồ Chí Minh xác định cách mạng thuộc địa là một bộ phận của cách mạng thế giới trong thời đại mới, vận động và phát triển theo quỹ đạo cách mạng vô sản. Con đường đó đã mở ra một hướng phát triển mới sức mạnh của cách mạng Việt Nam. Mấu chốt của nó là mối kết hợp sức mạnh dân tộc với sự ủng hộ, giúp đỡ của phong trào cách mạng thế giới. Hồ Chí Minh đã sớm đề xuất luận điểm sắc sảo về mối quan hệ đó và và trở thành chủ trương nhất quán chi phối hoạt động của Đảng. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng thể hiện chủ trương kết hợp sức mạnh dân tộc với sự ủng hộ, giúp đỡ của các phong trào cách mạng thế giới theo hướng ngày càng mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của nó phù hợp với đặc điểm của tình hình quốc tế và yêu cầu của cách mạng Việt Nam. Sức mạnh dân tộc Việt Nam trong thời đại mới là sự tổng hoà và phát triển những giá trị cơ bản của tinh thần yêu nước chân chính, của toàn dân tộc kết hợp với sự ủng hộ, giúp đỡ về tinh thần, vật chất của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào hòa bình, dân chủ thế giới. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Cách mạng thuộc địa như Việt Nam có tính chủ động và chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực tự thân; đồng thời, có vai trò quan trọng trong cách mạng thế giới, có thể giành được thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc, qua đó sẽ tước bỏ nguồn sinh lực chủ yếu của CNĐQ và giúp cho giai cấp vô sản Pháp những điều kiện thuận lợi để giải phóng. Chủ động, nỗ lực tự vươn lên, không hề “ngồi ỷ lại đâu đâu” trở thành một nguyên tắc, một phương châm, một tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo tạo nên mọi thắng lợi của Đảng trong suốt 90 năm qua.
Trên lĩnh vực xây dựng đảng cách mạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã có những luận điểm xuất sắc. Thấm nhuần luận điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về đảng cộng sản, về những nguyên tắc xây dựng chính Đảng vô sản của chủ nghĩa Lênin, lãnh tụ Hồ Chí Minh xác định vấn đề quan trọng nhất là: cách mạng trước hết phải có Đảng cách mạng; Đảng có vững, cách mạng mới thành công; Đảng phải có lý luận cách mệnh tiền phong mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong; Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm “trí khôn”, làm kim chỉ nam cho hoạt động của mình... Xuất phát từ bối cảnh xã hội-giai cấp đặc thù Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh cho rằng: Đảng mang bản chất giai cấp công nhân, song, không những đại diện cho giai cấp công nhân, mà còn đại biểu cho lợi ích của nhân dân lao động và toàn thể dân tộc, Đảng phải xác lập mối quan hệ bền chặt với nhân dân lao động và dân tộc; gắn kết biện chứng các nhiệm vụ giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc trong tiến trình phát triển theo con đường cách mạng vô sản. Do đó, khi thành lập, tên Đảng được lãnh tụ Hồ Chí Minh định danh là Đảng Cộng sản Việt Nam. Mở đầu hoạt động chuẩn bị thành lập Đảng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tiến hành là xây dựng Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên để tập hợp những thanh niên yêu nước đang khát khao tìm chọn con đường đấu tranh giải phóng dân tộc đúng đắn; lấy tổ chức này làm nơi truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và những quan điểm, phương pháp cách mạng của Người, trên cơ sở đó để phát triển đảng viên và hình thành tổ chức Đảng.
Trong chuẩn bị về tổ chức, cán bộ, lãnh tụ Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác đảng viên. Thu phục, tập hợp các giai cấp, tầng lớp xã hội có tinh thần yêu nước, cách mạng là một quan điểm của Người được thể hiện rõ trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng. Việc phát triển đảng viên chủ yếu dựa trên tinh thần yêu nước, tinh thần tự nguyện xả thân vì độc lập tự do cho dân tộc, từ quá trình rèn luyện và phấn đấu của những quần chúng ưu tú, xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Điều này thể hiện trong “Chỉ thị của Trung ương gửi Xứ ủy Trung Kỳ về vấn đề thanh Đảng Trung Kỳ” ban hành tháng 5-1931: “Đảng Cộng sản Đông Dương xuất phát từ chỗ giác ngộ phản đế, ghét Pháp từ trước tới nay... Sau năm 1923... giai cấp công nhân ở Đông Dương đã trở thành một giai cấp giác ngộ nhứt định của nó, mặc dầu mới đầu tiên và còn yếu ớt. Cộng vào một khí chất phản đế của các dân tộc ở Đông Dương do các phong trào phản đế từ trước nung nấu lại, hai lực lượng ấy hợp lại xây dựng nên Đảng Cộng sản Đông Dương”. Đặc điểm phát triển đảng viên chuẩn bị thành lập Đảng như trên khác với con đường xây dựng đội ngũ đảng viên cộng sản ở châu Âu, nơi mà ý thức giác ngộ giai cấp là điều kiện tiên quyết để có thể gia nhập hàng ngũ lãnh đạo cách mạng.
Trong công tác xây dựng đội ngũ đảng viên, Hồ Chí Minh rất chú trọng nâng cao trình độ lý luận, năng lực hoạt động thực tiễn, đồng thời rất coi trọng nhiệm vụ giáo dục, nâng cao đạo đức cách mạng và thực hành đạo đức cách mạng, coi đó là một mặt quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Vì đạo đức cách mạng, không chỉ là đạo đức cá nhân cán bộ đảng viên mà còn liên quan chặt chẽ đến sức chiến đấu và năng lực, uy tín lãnh đạo của Đảng. Về lĩnh vực này, Hồ Chí Minh là người có vị trí nổi bật trong số các nhà lãnh đạo cách mạng trên thế giới. Bài học mở đầu tại lớp huấn luyện đội ngũ cán bộ cộng sản đầu tiên do Người truyền thụ là tư cách một người cách mạng, gồm 23 điều cốt lõi để tu dưỡng đạo đức cách mạng, để xử sự với người khác và để làm việc. Cái cơ bản của đạo đức cách mạng mà Người giáo dục là đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng lên trên lợi ích cá nhân. Thực tiễn hoạt động của Đảng sau khi thành lập cho thấy: đại đa số cán bộ, đảng viên thế hệ đầu tiên đã thể hiện rõ phẩm chất cách mạng kiên cường, dũng cảm, hy sinh, chịu đựng gian khổ, vượt qua khó khăn, thử thách, được nhân dân tin yêu, trở thành chiến sĩ cộng sản đi tiên phong trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc và tự do cho nhân dân.
Không chỉ xác lập những luận điểm sáng tạo về lý luận, lãnh tụ Hồ Chí Minh còn xây dựng các phương pháp thành lập Đảng và chủ động thực hiện với bản lĩnh chính trị cao độ, mang lại hiệu quá tối ưu, đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của cách mạng Việt Nam. Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh đi vào phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và quần chúng yêu nước tạo nên chất lượng mới của phong trào là đấu tranh giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản đưa tới một yêu cầu cấp bách của cách mạng Việt Nam là thành lập Đảng Cộng sản vào cuối năm 1929. Mặc dù chưa nhận được chỉ thị của Quốc tế Cộng sản về việc thành lập Đảng Cộng sản ở Đông Dương, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chủ động triệu tập Hội nghị hợp nhất thực hiện sứ mệnh lịch sử của người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người cũng không thực hiện những bước “sàng lọc” mang nặng quan điểm thành phần xuất thân và tiêu chuẩn trình độ giác ngộ giai cấp vốn đang rất phổ biến trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, nhất là ở châu Âu, mà xác nhận và công nhận tư cách đảng viên của những người yêu nước, đặt lợi ích và vận mệnh dân tộc lên trên lợi ích và sinh mệnh cá nhân, đã dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng thông qua việc tiến hành hợp nhất các tổ chức cộng sản đã ra đời từ trước. Hiện thực lịch sử cho thấy đây là phương pháp thành lập Đảng tối ưu, vừa bảo đảm những yêu cầu cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về xây dựng chính đảng vô sản, vừa phù hợp với đặc điểm Việt Nam, vừa đáp ứng yêu cầu cấp bách về lãnh đạo cách mạng Việt Nam.   
Thực tiễn lịch sử cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 là một tất yếu lịch sử, có yếu tố Hồ Chí Minh thể hiện ở những nỗ lực hoạt động nhận thức, phát triển lý luận cách mạng gắn liền với hoạt động thực tiễn không mệt mỏi của Người, đặc biệt là ở những luận điểm cách mạng độc đáo và giàu tính sáng tạo, xác lập Cương lĩnh chính trị đúng đắn, hình thành tổ chức một cách khoa học và hiệu quả. Nói cách khác, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của sự kết hợp của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phong trào yêu nước.
Bằng việc sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh đã bổ sung, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin thông qua xác lập con đường thành lập chính đảng vô sản cũng như con đường cách mạng hòa quyện hai yếu tố độc lập dân tộc gắn liền với CNXH trong điều kiện kinh tế, chính trị, lịch sử, văn hóa, xã hội ở một nước thuộc địa Phương Đông. Dân tộc Việt Nam và thời đại mới đã sinh ra lãnh tụ Hồ Chí Minh và chính Người đã làm rạng rỡ non sông đất nước Việt Nam, khởi đầu bằng việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
 

 
Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 3/2020
Tin tức






Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 readyChung nhan Tin Nhiem Mang